Cắn răng vay vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 21/04/2017 18:15 PM (GMT+7)
Theo nhiều doanh nghiệp (DN), làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nặng nhất vẫn là vốn. Nhà nước cũng có gói 100.000 tỷ đồng dành cho NNCNC, tuy nhiên tới nay, vẫn chỉ có số ít trên đầu ngón tay DN có nhu cầu tiếp cận được với nguồn vốn này.
Bình luận 0

Không có tài sản thế chấp

img

  Đầu tư vào NNCNC khó nhất vẫn là về vốn. Ảnh: S.N  

Liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho phát triển NNCNC theo chỉ đạo Chính phủ, các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong tháng 4.2017.

  Ông Dương Văn Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam – VINATECH cho hay: “Nghe có gói 100.000 tỷ, chúng tôi cũng nóng lòng lắm, nhưng vẫn chưa tiếp cận được. Nhiều lần, chúng tôi đến ngân hàng nhờ hỗ trợ, nhưng khi ngân hàng thẩm định, đơn vị đều không đạt yêu cầu. Như đơn vị của chúng tôi là sản xuất rau, trồng chè an toàn, nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ. Những sản phẩm này đỏi hỏi hàm lượng kỹ thuật, công nghệ rất cao và nguồn vốn lớn. Để vay được, ngoài ràng buộc về đầu tư máy móc, công nghệ, chúng tôi phải có tài sản thế chấp. Nhưng hầu hết đất đai sản xuất đều là đi thuê thầu nên bị định giá rất thấp, chỉ được vay mấy trăm triệu, làm sao sao đủ đầu tư cho công nghệ cao. Để có tiền, chúng tôi chỉ có cách vay mượn người nhà, kêu gọi đầu tư chung hoặc vay “nóng” bên ngoài. Chấp nhận lãi suất cao hơn nhưng cần vay là có”.

Không chỉ các DN có mô hình tương đối lớn quan tâm tới nguồn vốn này, nhiều hợp tác xã sản xuất cũng hướng đầu tư NNCNC, nhưng cũng gặp vướng mắc trong phần tiếp cận nguồn vốn. Ông Đặng Tấn Huynh – Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông) cho hay, nếu HTX có đất và đất đó đi thuê, dân vẫn nắm sổ đỏ, liệu ngân hàng khi đánh giá, ngoài tài sản trên đất, họ có cho tín chấp phần đất mà HTX thuê. “Đã là dự án công nghệ cao, đánh giá khả thi, được phê duyệt dự án rồi thì cần thông thoáng hơn cho đơn vị, chấp nhận phương thức tín chấp. Cái cần gỡ là chỗ này”- ông Hùng nói.

Ông Huynh cho rằng, nếu bắt buộc các đơn vị làm NNCNC phải có sổ đỏ một diện tích rất lớn cho sản xuất, sẽ hiếm đơn vị nào đáp ứng được. Mặt khác, hiện với đất nông nghiệp, ngân hàng thường chỉ đánh giá tài sản trên đất, chứ không tính phần đất vào đánh giá cho vay. “Trên thực tế, để lấy được phần đất sản xuất đó, chúng tôi đã bỏ tiền ra rất nhiều, nhưng ngân hàng không đánh giá. Đơn vị nếu thuê được 20 năm, cũng là một dạng pháp lý, cam kết làm ăn, nên ngân hàng cần xem xét chỗ này”- ông Huynh kiến nghị.

Cá nhân, HTX hoàn toàn có thể vay vốn

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I.2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc (Bộ NNPTNT) cho biết, đối tượng của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng ưu đãi phát triển NNCNC đã được xác định rõ. Ngày 14.3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN xác định rõ tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Theo đó, các chương trình NNCNC phải có tính tổng thể, đặt mục tiêu chung giải quyết chuỗi các vấn đề trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với các dự án muốn vay gói tín dụng trên, phải thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp thẩm quyền quyết định thành lập khu, công nhân vùng; các dự án của DN đã được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận là DN ứng dụng công nghệ cao. Đối với dự án nông nghiệp sạch, ngoài các dự án đảm bảo các tiêu chí, điều kiện về an toàn thực phẩm, dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…

“Hiện hệ thống các tiêu chí đã sẵn sàng, các ngân hàng có thể dựa vào đó để xét nhu cầu vay của các cá nhân, DN với gói 100.000 tỷ đồng. Các cá nhân, hộ gia đình, thậm chí là cá nhân đại diện hợp tác xã hoàn toàn có thể vay vốn theo quyết định này của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn để các tiêu chí này được nhiều người dân biết đến và tiếp cận. Do đây là gói vay thương mại, nên các ngân hàng đương nhiên sẽ thẩm định kỹ, phù hợp với đánh giá về mức độ hiệu quả dự án để quyết định cho vay” – bà Thủy cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem