Cần sớm thiết lập kênh đối thoại chính sách

Thứ ba, ngày 17/01/2012 11:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng ngày 5.1 vừa qua đã bộc lộ một vấn đề là làm thế nào để tiếng nói của người nông dân xứng đáng với vị thế chủ thể của họ trong quá trình phát triển đất nước.
Bình luận 0

PV NTNN đã trao đổi với TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) về những bài học rút ra từ vụ việc này.

img
Theo TS Đặng Kim Sơn, cần tạo kênh đối thoại thuận lợi để nông dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng. LÊ HỮU THỌ

Thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết 26 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, cũng như trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể của người nông dân đã được xác định như thế nào?

- Vai trò chủ thể của người nông dân được xác định trong Nghị quyết 26 đã chứng minh rất rõ ràng trong quá trình thí điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều đó thể hiện trong công tác quy hoạch, từ một nhiệm vụ của các cơ quan tư vấn chuyên ngành trở thành một hoạt động tổng hợp với sự tham gia của dân, từ thay đổi tư duy trông đợi vốn nhà nước để xây dựng các công trình xây dựng sang huy động nội lực nhân dân và cơ chế thị trường để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thay đổi nếp sống... Thực tế đã cho thấy, ở đâu người nông dân trở thành trung tâm, ở đó sẽ thành công.

“Tôi nghĩ rằng, trong một xã hội dân chủ, một Nhà nước pháp quyền, điều hành bằng luật pháp, thì chúng ta cần phải tạo được một cơ chế trao đổi giữa người dân và chính quyền”.

Tuy nhiên, trong thực tế, ở nhiều nơi, vai trò “chủ thể” của nông dân dường như còn xa vời?

- Vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đất nước được khẳng định trong Nghị quyết 26 là sự kết hợp giữa truyền thống “lấy dân làm là gốc” và thực tế đổi mới và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, với rất nhiều cấp chính quyền và cả nhân dân vẫn là rất mới.

Sự bỡ ngỡ thể hiện ở chỗ, người dân nhiều nơi vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào trên, từ yêu cầu Nhà nước tìm thị trường bán nông sản, đợi Nhà nước cứu trợ thiên tai, ngăn cản dịch bệnh, giúp giảm nghèo, can thiệp khi buôn bán không công bằng...

Trong khi đó, nhiều cấp lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương vẫn muốn bao bọc, giám sát và quyết định thay cho dân. Đã quan hệ trên – dưới bao bọc như thế, thì hàm ý Nhà nước luôn đúng, luôn có quyền quyết định cho dân.

Qua vụ việc ở huyện Tiên Lãng vừa rồi, có thể thấy, dường như giữa chính quyền cơ sở và người dân đang có một độ “vênh” rất lớn trong tư duy, dẫn đến hành động có khi đối nghịch...

- Một quan hệ không ngang bằng, không dựa trên căn cứ pháp luật thì khi bất đồng tất dẫn đến xung đột. Bác Hồ đã từng giải thích: Cán bộ cách mạng không được như quan lại, tự coi mình là cha, mẹ của dân. Như vậy không thể muốn bảo ban, đe nẹt dân, còn dân cũng không thể ỷ lại hoặc phản ứng tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng, trong một xã hội dân chủ, một Nhà nước pháp quyền, thì cần phải kiến tạo một cơ chế trao đổi bình đẳng và thường xuyên giữa người dân và chính quyền. Cơ chế đó, hiện đã có như tòa án kinh tế, hành chính hoặc dân sự. Muốn vận hành được, phải xóa bỏ thủ tục khiếu kiện lằng nhằng, đảm bảo sự độc lập phán quyết theo pháp luật của cơ quan tư pháp, phải hình thành hệ thống luật sư hỗ trợ thuận tiện và giá cả hợp lý cho nông dân.

Ngoài ra, chúng ta cần phải xây dựng ngay một cơ chế để cho người nông dân phản ánh những ý kiến qua hội, đoàn của mình như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hay Hiệp hội Trang trại, nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức này là phải là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động…

Bộ TNMT và Bộ Công an theo dõi vụ việc

Ngày 16.1, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang cho biết: Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đất đai theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng để có những chỉ đạo cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý ngành. Còn trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho hay, sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ có cuộc họp để nghiên cứu vụ cưỡng chế và dùng súng chống trả lực lượng chức năng ở huyện Tiên Lãng.

Công luận báo chí, Internet, truyền hình cần xây dựng kênh thông tin đối thoại để cùng thảo luận minh bạch các vấn đề nảy sinh. Khi đã có những kênh thông tin như thế, chúng ta sẽ xử lý được rất nhiều vấn đề, vì về cơ bản tất cả luật pháp, chính sách đều đã có cả rồi. Cái gì thiếu, cái gì bất hợp lý chúng ta biết chờ đợi để cùng tạo dựng nên.

Qua những sự việc mâu thuẫn chính quyền, nhân dân, cần có cơ chế gì để giải quyết?

- Xử lý mâu thuẫn quyền lợi trong quá trình công nghiệp hóa bằng cơ chế thị trường không phải bằng cách hòa giải, mà phải áp dụng các cơ chế xử lý, chia sẻ quyền lợi, bù đắp rủi ro một cách hợp lý. Trước hết phải hình thành kênh đối thoại.

Hiện nay nông dân khi có uất ức không biết phản ánh thế nào? Nói cá nhân thì không ai nghe. Viết đơn nhiều khi bị chuyển lại cho chính quyền sở tại. Tòa án thì chậm giải quyết, còn gửi đơn lên trên lại là khiếu nại vượt cấp. Tập trung đề nghị thì trở thành khiếu nại đông người...

Do vậy, theo tôi, điều cần làm ngay là chúng ta phải xây dựng được một kênh đối thoại công khai, minh bạch giữa chính quyền - nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem