Cần tăng mức phạt tối thiểu lên 10 lần

Thứ tư, ngày 02/06/2010 10:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật An toàn thực phẩm ngày 1-6.
Bình luận 0
 img
 Cần phải có một hệ thống quản lý chặt và đồng bộ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rất nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, thực tiễn giám sát tối cao của quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cho thấy, lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn yếu và thiếu, đặc biệt ở địa phương. Việc thực thi pháp luật về thanh tra còn có nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạm...

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng có liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Chúng ta đã có “nhạc trưởng” là Bộ Y tế, ngoài ra còn có 2 bộ khác là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Nhưng nếu chỉ nói như thế chưa rõ, không thể nào xử lý được trách nhiệm khi có vấn đề vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm xảy ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai đề nghị phải có một hệ thống quản lý chặt và đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm để có sự kiểm soát chặt lĩnh vực mình quản lý. Đây là một hệ thống giám sát từ quá trình sản xuất, phân phối, bảo quản, tiêu thụ đến chế biến thực phẩm. Có như thế mới đảm bảo mỗi sản phẩm có mặt trên thị trường đều nằm trong sự kiểm soát.

Các đại biểu quốc hội cho rằng, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên quy định giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng: "Muốn quản lý tốt thì phải gắn với trách nhiệm. Bộ, ngành nào, địa phương nào để xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng thì người đứng đầu nơi ấy phải chịu trách nhiệm. Xử lý người đứng đầu thì người đứng đầu mới lo củng cố bộ máy, lo đôn đốc các cấp của mình làm tốt".

Về nguyên tắc xử phạt vi phạm, theo các đại biểu, biện pháp hành chính là cần thiết, nhưng cần phải tính đến có thể xử phạt nặng hơn, nhất là áp dụng những biện pháp quy trách nhiệm và những biện pháp về kinh tế, thậm chí phải tính đến biện pháp đình chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cũng cho rằng: Cùng với tăng cường hiệu quả trong công tác thanh tra, cần sửa đổi các quy định về an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Bà Hằng cho rằng, mức phạt tiền quy định như trong Dự thảo vẫn còn thấp, nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp sau khi bị xử phạt lại tiếp tục vi phạm. Cần nâng mức phạt tối thiểu lên 10 lần, mức tối đa lên hàng trăm lần…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem