Du lịch sinh thái, cộng đồng “lên ngôi”
Đại diện một công ty du lịch cho biết, hầu như hiện nay 80% số khách du lịch đi Hội An (Quảng Nam), còn đến Đà Nẵng chỉ có đi bảo tàng Chăm, gói gọn trong 1-2 ngày rất ngắn.
“Những câu chuyện rất đơn giản bình thường, giản dị khiến du khách có thể lặn lội đường xa để tới một vùng đất nào đó chính là câu chuyện về văn hoá, tôi tin rằng làng ở Hoà Phong khác làng Hoà Bắc. Mỗi làng, mỗi câu chuyện, mỗi con người chính là điều khiến khách lặn lội cả đoạn đường xa để tới một vùng đất. Mấu chốt duy nhất khác biệt đó là con người ở vùng đất đó. Mong muốn kết nối, định hướng sản phẩm du lịch, cách thức làm sản phẩm du lịch như thế nào, quan trọng là cách ứng xử, giao tiếp và cần có định hướng cho sản phẩm du lịch của mình” - đại diện công ty du lịch này chia sẻ.
Tìm hiểu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế năm 2018. Ảnh: K.O
“Chúng ta đang hướng tới sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi rất tốt cho người dân địa phương tìm ra sản phẩm chính là của mình chứ không phải vay mượn của người khác. Chúng ta nên có định hướng thật tốt mới có sản phẩm tốt, nếu chuẩn bị không tốt, sản phẩm đó sẽ chết”.
Ông Trần Trà
|
Ông Trần Trà - Chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, mong muốn của du khách khi đi du lịch là được ở trong nhà người dân, được xem văn hóa của vùng đó...
“Chúng ta đang hướng tới sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi rất tốt cho người dân địa phương tìm ra sản phẩm chính là của mình chứ không phải vay mượn của người khác. Chúng ta nên có định hướng thật tốt mới có sản phẩm tốt, nếu chuẩn bị không tốt, sản phẩm đó sẽ chết. Quan trọng phải đầu tư thế nào ít tốn kém, nhưng hiệu quả.
Sở Du lịch cần một tập hợp tất cả các doanh nghiệp cùng nhau tìm, khảo sát, mới mong rằng tìm ra sản phẩm mới phát triển. Ngoài ra, làm sao kết nối sản phẩm và bán được sản phẩm đến người tiêu dùng…” - ông Trà nói và kiến nghị.
Đại diện một công ty lữ hành cũng chia sẻ rằng, nếu nói về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thì vấn đề sản phẩm du lịch sinh thái, kết nối sản phẩm đó từ đâu là điều cần thiết, xem thử khách du lịch cần gì để đưa ra giải pháp.
Ông Tán Văn Vương- Trưởng phòng Quy hoạch phát triển thương mại du lịch Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch cùng UBND huyện Hòa Vang, các đơn vị lữ hành tổ chức khảo sát, hình thành một số dịch vụ du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng tại huyện Hòa Vang. Bước đầu, một số đơn vị đã đưa khách đến du lịch trải nghiệm như làng Phong Nam (Hòa Châu), thôn Giàn Bí (Hòa Bắc) và thôn Thái Lai (Hòa Nhơn).
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay còn manh mún, chưa đáp ứng tốt, chưa quan tâm đầu tư đúng mức.
“Sở Du lịch đang phối hợp UBND huyện Hòa Vang, Sở NNPTNT, hội lữ hành, cùng các ngành liên quan tổ chức rà sát lại các tiềm năng, lợi thế, hình thành một số sản phẩm dịch vụ. Sở sẽ triển khai một số giải pháp, phối hợp với các ngành rà sát điều chỉnh, hình thành cơ chế chính sách mới, khuyến khích đầu tư du lịch làng quê, làng nghề kết hợp đầu tư du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa lịch sử và du lịch cộng đồng gắn với cộng đồng dân cư…” - ông Vương cho biết thêm.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản
Ông Bùi Dũng - Giám đốc HTX Rau Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang) cho biết, HTX đang hình thành một tour du lịch tham quan trải nghiệm tại làng rau cho học sinh các trường học. HTX cũng đã tổ chức, bán, trưng bày giới thiệu những sản phẩm rau có bao bì, nhãn mác và in 6.000 tờ rơi quảng bá, giới thiệu những địa chỉ mà HTX cung cấp rau để học sinh mang về cho bố mẹ biết đến những địa chỉ trên để mua rau của HTX.
Vì vậy, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến và lựa chọn. Điều này đã tạo ra đòn bẩy cho các hộ nông dân phấn khởi, yên tâm về đầu ra, ngày càng sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng.
Các đại biểu tham gia góp ý, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.O
“Thành phố cần kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế mở cho các doanh nghiệp, tham gia vào HTX thuê đất lâu dài, xây dựng cửa hàng bán, quảng bá sản phẩm, mở tuyến du lịch, xây dựng nhà lưu trú và tổ chức các sự kiện, cắm trại, dã ngoại cho khách… để phát triển loại hình này hơn nữa” - ông Dũng kiến nghị.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch này mới bước đầu, tính gắn kết chưa cao, cần có những giải pháp đề xuất, kết nối của các cơ quan chức năng có những hỗ trợ đầu tư cần thiết. Đồng thời cần có sự liên kết góp sức chặt chẽ của các bên liên quan, các đơn vị lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ, các vai trò người dân cùng chung tay đưa sản phẩm vào thực tiễn.
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, hiện ngành du lịch cần những sản phẩm mới, đặc biệt những sản phẩm nổi trội từ nông nghiệp nhằm phát triển du lịch bền vững cộng đồng góp phần bảo tồn văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Chúng tôi sẽ tổng hợp những khó khăn, đề xuất của địa phương có báo cáo trình Bộ NNPTNT, trên cơ sở đó Bộ sẽ có những định hướng, chính sách phát triển sinh thái nông nghiệp...” - bà Yến cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.