Ở Việt Nam, pháo hoa nổ và pháo nổ là loại hàng hóa cấm sản xuất, buôn bán dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, hàng năm mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, sản xuất pháo có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Chỉ cần có nhu cầu mua pháo là được đáp ứng
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến pháo hoa, pháo nổ xảy ra gây thiệt mạng về người, tài sản. Không ít những vụ buôn bán, sản xuất, tàng trữ pháo trái quy định đã bị lực lượng chức năng triệt phá, khởi tố. Thế nhưng, tình trạng mua bán pháo nổ, pháo hoa vẫn diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, chỉ cần gõ chữ "pháo" trên Facebook, hàng loạt các hội nhóm hiện ra với vài chục nghìn thành viên. Trong đó, có những nhóm với tên "Pháo Tết 2024" cập nhật các loại pháo mới nhất của mùa Tết năm nay.
Trạng thái nhóm mua bán pháo này công khai và các thành viên đăng tải các bài viết bán pháo với đa dạng chủng loại, từ pháo nổ, pháo hoa. Điểm chung của những loại pháo này là đều ghi nhãn mác tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do đó, người dùng không thể phân biệt các loại pháo đang được đăng bán công khai trên mạng xã hội này.
Liên hệ trực tiếp với số Zalo của những người đăng bán, ngay lập tức PV nhận được phản hồi với đủ chủng loại pháo nổ đang được bán. Trong đó, pháo giàn đa dạng chủng loại nhất với số lượng từng giàn khác nhau.
Ngoài bán lẻ, những người này còn ưu tiên người mua sỉ với số lượng lớn, tặng kèm cho đơn hàng trị giá trên 2 triệu đồng. Mỗi giàn 100 quả pháo có giá bán lẻ là 1,2 triệu đồng, nhưng khi lấy số lượng lớn 10 dàn trở lên, khách sẽ được giảm ngay 4 triệu, còn 8 triệu đồng.
Các loại pháo cũng tương tự, khách có nhu cầu lấy số lượng lớn, các đối tượng bán sẽ giảm giá và vận chuyển đến tận nhà dù ở bất cứ tỉnh thành nào.
Mọi nhu cầu mua pháo hoa đều được đáp ứng. Ảnh KP.
Một người dùng có nhu cầu cho biết, hỏi mua pháo do lầm tưởng đây là do Bộ Quốc phòng bán, sau đó thấy không phải nên đã không mua, các đối tượng bán liên tục hỏi.
"Tôi có ý định mua pháo do Bộ Quốc phòng phân phối, tìm trên mạng thấy nên hỏi. Sau đó, hoá ra là pháo nổ nên không mua. Dù đã bảo không mua, nhưng họ vẫn liên tục nhắn tin chào mời và bảo mua về bán, số lượng lớn sẽ được giảm giá", anh Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Có thể thấy, tình trạng mua bán trái phép pháo hoa/nổ diễn ra công khai trên mạng xã hội đang vô cùng khó kiểm soát và vi phạm pháp luật.
Mua bán, tàng trữ pháo trái phép sẽ bị xử lý thế nào?
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
- Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
- Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
- Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Như vậy, dựa vào quy định trên, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, mọi cá nhân kinh doanh, mua/bán, tàng trữ trái phép pháo hoa/nổ đều vi phạm pháp luật.
Còn theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng có quy định mức xử phạt về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
Người đốt, sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật.
Hành vi đốt pháo nổ nơi công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội hoặc hành vi sử dụng pháo nổ gây ra thương tích cho người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" hoặc tội "Cố ý gây thương tích".
Theo quy định của pháp luật, pháo hoa nổ và pháo nổ là loại hàng hóa cấm sản xuất, buôn bán. Do đó, người nào sản xuất, buôn bán trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể tới 15 năm tù nếu số lượng pháo từ 120kg trở lên.
Hành vi sản xuất, buôn bán trái phép pháo hoa nổ và pháo nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu số lượng pháo từ 6kg trở lên. Trường hợp dưới 06 kilôgam thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Đối với đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Buôn lậu" hoặc tội "Buôn bán hàng cấm" với tình tiết tăng nặng là vận chuyển trái phép qua biên giới.
Như vậy, tất cả các hành vi mua bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng pháo hoa/nổ của các cá nhân đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý, cao nhất sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.