Mùa mua sắm Noel 2023: Doanh nghiệp tìm cách "đào thoát" khỏi TTTM vì tìm khách như "mò kim đáy biển"
Mùa mua sắm Noel 2023: Doanh nghiệp tìm cách "đào thoát" khỏi TTTM vì tìm khách như "mò kim đáy biển"
Khải Phạm
Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:49 AM (GMT+7)
Đại hạ giá mọi nhãn hãng, nhưng "thảm cảnh" vắng vẻ đìu hiu vẫn bao trùm các trung tâm thương mại (TTTM) từ Bắc vào Nam dù đây là mùa mua sắm cuối năm trước dịp Noel cũng như Tết dương lịch.
Những tháng cuối năm được coi là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm, đặc biệt thời điểm tháng 12, trước thời điểm các kỳ nghỉ lễ như Noel, hay Tết dương lịch. Tuy nhiên, từ Black Friday đến mùa Noel cuối năm, cảnh vắng vẻ, đìu hiu tại các TTTM lớn đang diễn ra và đáng báo động.
Nhãn hàng bùng nổ ưu đãi, khách vẫn không quan tâm
"Săn sale suốt từ tháng trước Black Friday đến giờ, tôi vẫn thấy không có nhiều món hàng ưng ý, có giảm nhưng không có loại phù hợp size số, mẫu mã. Trong khi đó, hàng mới đã được cập nhật, nhưng hầu hết là không giảm nên cũng không thấy mùa Noel khác là bao", chị Nguyễn Thu Thảo, người dùng có mặt tại Vincom chia sẻ.
Đó là tâm trạng của đa số người dùng khi mua sắm cuối năm ở các TTTM lớn như Vincom, Lotte hay BigC thời điểm này. Các mặt hàng vẫn được khuyến mại từ các thương hiệu, nhưng chủ yếu là ngoại cỡ, thiếu mẫu.
Theo ghi nhận của Dân Việt, tại TTTM như Vincom Trần Duy Hưng, Lotte Đào Tấn, BigC Thăng Long... lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm vắng vẻ ngay cả dịp cuối tuần. Hầu hết các gian hàng chỉ thấy nhân viên và lác đác 1-2 khách đến xem.
Vẫn là những tấm biển quảng cáo siêu sale, bão sale giảm từ 40-70% nhiều mặt hàng từ thời trang, đồng hồ, kính mắt, chăn ga gối đệm...
Cụ thể, Lining, Vacalo, Leika... đang nhận ưu đãi đến 50%+, mua 1 tặng 1 với nhiều mặt hàng thời trang, giày dép. Việc giảm giá này đã giảm so với thời điểm Black Friday cách đây gần 1 tháng, nhưng đây vẫn là mức cao ở thời điểm mua sắm cuối năm này.
Tương tự, các mặt hàng đồng hồ thời trang như Casio, đồ dùng mẹ & bé hay mặt hàng gia đình như chăn ga gối đệm, cũng giảm giá khá sâu thời điểm này. Mặc dù giảm sâu, nhưng nhân viên bán hàng vẫn "lắc đầu" ngao ngán vì khách quá vắng.
"Cửa hàng chúng tôi giảm suốt từ tháng trước đến giờ, nhưng nhìn chung lượng khách đến mua rất vắng vẻ. Bán hàng ngoài lương cứng, còn tính theo % doanh số nên việc ít khách mùa cao điểm này cũng khiến tôi lo lắng vì thu nhập không đảm bảo. Thời điểm này đúng kiểu bán hàng cho vui chứ khách xem xong đặt xuống rồi quay đi", chị Hằng, nhân viên bán hàng của 1 thương hiệu thời trang tại Vincom chia sẻ.
Việc khách hàng vắng vẻ đã khiến nhiều gian hàng tại một số TTTM phải đóng cửa, tìm khách thuê mới.
Ghi nhận tại TTTM Bitexco - Tp. Hồ Chí Minh, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lotte Đào Tấn/Tây Hồ, nhiều mặt bằng đã được trả lại bởi tình hình kinh doanh khó khăn.
"Giá thuê mặt bằng cao, khách hàng không có nên tôi phải trả lại mặt ở Bitexco này cũng được 3 tháng rồi. Giờ về bán hàng trên TikTok, Shopee... Lợi thế là có nguồn hàng nên tôi hy vọng có thể làm lại để đi vào guồng quay bán online giống như tại TTTM như cách đây 4 năm về trước", chị Thu Hiền, chủ gian hàng từng kinh doanh tại Bitexco chia sẻ.
Chia sẻ về thực trạng mùa mua sắm cuối năm, nhưng vắng khách tại các TTTM, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn đến việc đó.
"Giá thuê ở các TTTM cao, lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp đã phải "bán lúa non" để bỏ. Đây là thực trạng đáng buồn của thị trường bán lẻ hiện nay đang diễn ra không chỉ ở TTTM mà còn ở các chợ truyền thống", ông Phú nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan là do từ dịch Covid-19 đến nay, người dân ngại chi tiền, tâm lý tích luỹ khiến sức mua kém so với những năm trước.
Doanh nghiệp đã thay đổi tư duy bán hàng
Trước đây, việc có một suất bán hàng tại TTTM là ước mơ của nhiều doanh nghiệp bởi lượng khách ổn định, đa phần đều là những người chịu chi để mua sắm những món hàng hiệu. Tuy nhiên, sẽ không có gì tồn tại mãi mãi mà sẽ chuyển dịch và mua sắm cũng không ngoại lệ.
Số liệu khảo sát của sàn thương mại điện Lazada, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022. Trong đó, thế hệ người tiêu dùng Gen Z (sinh năm 1995 đến năm 2012) chiếm 43% lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày.
Thống kê của Công ty Meta (đơn vị sở hữu Facebook, instagram) ghi nhận trong năm 2022, Việt Nam có thêm 4 triệu người tiêu dùng số có giao dịch mua hàng thông qua các kênh trực tuyến, đạt mức tăng trưởng 41% so với năm 2019.
"Giờ muốn mua cái gì chỉ cần lên mạng gõ là sẽ có từ kim chỉ đến đồ gia đình như tivi, tủ lạnh... đặc biệt là giá tốt, chính sách bảo hành chuẩn hãng, không mất phí giao hàng, lắp đặt nên việc ra Vincom giờ chỉ để vui chơi, ăn uống, hay giái trí", chị Kim Huệ (Hà Nội) chia sẻ.
Từ mua sắm trực tiếp đã là "đất dụng võ" của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ các mặt hàng, giờ đây họ đã phải thay đổi, chuyển mình khi bán hàng trực tuyền để bắt kịp xu hướng.
Nắm bắt được xu hướng mua sắm mới, các doanh nghiệp đã dần chuyển đổi tư duy bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến.
Dạo quanh các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki... "đập" vào mắt người dùng là các chương trình livestream bán hàng, giảm giá, miễn phí ship đến từ các nhãn hàng nhằm lôi kéo khách hàng. Điều này đã nhu cầu mua sắm của người dân dần thay đổi, đặc biệt kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19.
Khi khách hàng thay đổi, doanh nghiệp đương nhiên sẽ phải tự đưa mình lên môi trường số để duy trì doanh số, trước khi nghĩ đến bùng nổ đơn hàng trong tương lai.
"Mới bán hàng trên TikTok Shop, Shopee thời gian ngắn, nhưng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi về doanh số, đặc biệt từ những phiên livestream, nền tảng hỗ trợ giá nên khách hàng mua nhiều hơn", chị Hiền chia sẻ.
Có thể thấy, doanh nghiệp đã dần thay đổi tư duy bán hàng để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến thương trường chuyển từ trực tiếp dần sang trực tuyến.
Tuy nhiên, khi mua hàng trên mạng, người dùng cũng cần hết sức cảnh giác bởi hàng thật/giả bây giờ lẫn lộn, khó phân biệt.
Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khi mua sắm online, người dùng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro.
"Nhiều trường hợp mua đồ trên mạng, đã thanh toán tiền, nhưng khi nhận hàng không như quảng cáo, sai mẫu, sai màu, không đạt chất lượng... là phổ biến. Ngay cả những sàn thương mại điện tử lớn được nhiều người sử dụng nhất hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng hàng giả bán tràn lan", ông Phú nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.