Mục đích thu hồi đất còn quá rộng ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, Luật Đất đai dùng cụm từ "thu hồi đất" là không thận trọng. ĐB Việt giải thích: "Trong những năm 1930, chúng ta đã nêu khẩu hiệu đưa ruộng đất cho dân cày. Cách mạng Nga cũng nêu khẩu hiệu "bánh mỳ và ruộng đất". Nhưng sau khi chúng ta giành được chính quyền thì phải lo ruộng đất cho dân chứ dùng "thu hồi đất" là không ổn. Vì "thu hồi đất" là dành cho trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
Nhiều ĐB kiến nghị, cần điều chỉnh thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa nạn lạm dụng, gây thêm khiếu kiện.
Quan điểm của ĐB Việt đã nhận được nhiều sự đồng tình của nhiều ĐB. Cụ thể hơn, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) bày tỏ lo ngại liên quan đến vấn đề “nhạy cảm” của Luật Đất đai: "Điều 62 của Luật Đất đai về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế-xã hội là... quá rộng và dàn trải. Chưa thể hiện được quan điểm của Hiến pháp".
Đồng tình với ĐB Thanh, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng: "Nếu không quy định chi tiết đối với các trường hợp thu hồi đất, thì rất dễ bị lợi dụng thu hồi đất với mục đích làm khu công nghiệp".
ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) băn khoăn: Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng dự thảo vẫn giữ quy định này. Dù cuối cùng vẫn đồng ý dự luật có quy định này, song ông Sang kiến nghị, cần điều chỉnh thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa nạn lạm dụng, gây thêm khiếu kiện.
ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng: "Thu hồi đất do vi phạm pháp luật, cần phải quy định rõ, và chế tài mạnh đối với những dự án "treo" kéo dài nhiều năm. "Trong trường hợp này, chúng ta kiên quyết thu hồi đất, và không đền bù tài sản trên đất. Nếu không thực hiện sẽ phải cưỡng chế”- ĐB Dân nói. ĐB Dân cũng cho rằng, trong trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, thì người bị cưỡng chế đất sẽ chống đối gay gắt, kẻ xấu xúi giục khiến tình hình trở nên phức tạp. Trong trường hợp phức tạp, phải cưỡng chế đối với nhiều người, thì cấp tỉnh phải tham gia giải quyết, bởi cấp xã, và huyện khó có thể giải quyết". Chính vì lẽ đó, ĐB Dân đề nghị: "Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế, thì thủ tục phải chặt chẽ. Không cưỡng chế đất khi lễ tết, người bị thu hồi đất đang ốm đau, tai nạn rủi ro. Đặc biệt, người ra quyết định cưỡng chế đất mà vi phạm pháp luật, khiến nhiều người khiếu kiện, thì cần phải có chế tài để xử lý".
Cần đưa quy trình định giá đất vào luật
Cho đến nay, dù trải qua nhiều lần thảo luận tại tổ và hội trường, song vấn đề "giá đất" vẫn còn gặp nhiều ý kiến chưa đồng thuận. "Bác Hồ đã căn dặn việc gì có lợi cho dân thì làm. Vì vậy, nên bổ sung phương án nào có lợi cho dân nhất, thì thực hiện. Do đó, cần để Mặt trận, và các đoàn thể tham gia định giá đền bù để công khai, minh bạch, tránh khiếu kiện, đó là kiến nghị của ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) khi nói về giá đất.
"Thu hồi đất chỉ được thực hiện khi hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu chính quyền địa phương khi ra quyết định thu hồi đất. Khi quy trách nhiệm cá nhân sẽ khắc phục được 4 cái sai hiện nay. Đó là sai quy hoạch, sai quy định, sai đối tượng, sai thẩm quyền. Đây là giải pháp tích cực để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện tố cáo liên quan đến đất đai”. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai)
|
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), giá đất là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, nguyên nhân gây ra khiếu kiện kéo dài. Chính vì vậy, ĐB Nghĩa cho rằng: "Giá đất do Nhà nước quy định phù hợp với giá đất trên thị trường là không ổn định. Việc xác định thế nào là phù hợp với thị trường là rất mơ hồ, không "tiền tươi, thóc thật". Vì vậy, cần quy định giá đất thị trường tăng lên bao nhiêu phần trăm, thì phải điều chỉnh khung giá đất cho minh bạch". Đồng tình với quan điểm của ĐB Nghĩa, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng, giá đất là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", gây ra khiếu kiện.
Việc quy định để “giá đất sát giá thị trường không được minh bạch, đã tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu bất chính. Từ đó, ĐB Thoáng cũng cho rằng, cần có tổ chức tư vấn định giá đất là điều cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc định giá đất đang "có vấn đề", khi mỗi tỉnh quy định một giá đất. "Cùng một khu vực, chỉ cách nhau một con đường mà giá đất khác nhau, có sự chênh lệch quá cao. Nơi thì giá cao, còn nơi thì tiền bồi thường không đủ mua nổi một căn nhà chung cư. Từ đó, dẫn đến lợi ích nhóm"- ĐB Thoáng nói, và kiến nghị: "Cần phải đưa quy trình, trình tự định giá đất vào trong Luật Đất đai".
Phương Hà (Phương Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.