Hôm qua (12-11), tại Hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.
Giải quyết tranh chấp bằng pháp lý
GS G.Till (Khoa nghiên cứu quốc phòng - ĐH King-Anh quốc) cho rằng, vấn đề biển Đông rất phức tạp, có tầm ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trong khu vực.
|
Ông Nguyễn Đức Hùng - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada (trái) trao đổi với các học giả quốc tế bên lề hội thảo |
Cần nỗ lực giải quyết vấn đề từ nhiều phía, hơn là từ một phía, với mục đích cần phải hài hoà các lợi ích chung cho các quốc gia liên quan trên tinh thần hợp tác, trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, tài nguyên, an ninh, cứu hộ…
Quan điểm của Anh là giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hoà bình vì biển Đông có tầm quan trọng không chỉ trong khu vực mà cả thế giới.
PGS-TS Dương Văn Quảng - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam khẳng định, một trong những cơ sở quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ là Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982. Tuy nhiên, đối với các nước liên quan cần hướng đến đàm phán và ký kết một bộ quy tắc ứng xử về biển Đông thật chặt chẽ và toàn diện.
Nhiều học giả đồng tình quan điểm biển Đông là vấn đề luật pháp phải giải quyết bằng luật pháp. Đối với các tranh chấp, cần có sự đối thoại song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực. Nếu không tìm được sự đồng thuận thì có Tòa án quốc tế về Luật Biển Hamburg và Tòa án Tư pháp quốc tế La Haye.
Minh bạch quan điểm và chính sách
Phát biểu tổng kết, ông Dương Văn Quảng cho rằng hội thảo thực sự thành công vì chúng ta tôn trọng các nguyên tắc thẳng thắn, khách quan, trung thực và cầu thị. Về đường lưỡi bò, đường đứt đoạn chín khúc, vùng nước lịch sử, Tướng Daniel Shaeffer - thành viên của cơ quan Think – tank Asie2 và Phó giáo sư Irik Franckx, thành viên Tòa án Trọng tài – Trưởng khoa Luật quốc tế và châu Âu đã phân tích rất rõ sự phi lý của nó.
Một số vấn đề được các học giả quốc tế quan tâm là đường lưỡi bò và việc Trung Quốc đưa biển Đông vào lợi ích cốt lõi, vùng biển mà phía Trung Quốc cho rằng là vùng nội thủy (vùng nước lịch sử).
Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đặt vấn đề như vậy dựa trên cơ sở nào? Cần phải công khai ý định của mình và đối thoại với các nước trong khu vực. Phải minh bạch khi đó mới có lòng tin.
Cơ sở pháp lý ở đâu? Bản chất nó là gì? Vùng biển bên trong đó là vùng biển gì? Về vấn đề cùng khai thác cũng vậy, Giáo sư Hasjim Djalal - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ĐNA (Indonesia) đã nêu lại và nhấn mạnh cần xác định vùng khai thác chung ở vùng biển nào? Hợp tác cái gì? Với ai, theo cơ chế nào?
Ý kiến các bên cho thấy các bên liên quan còn thiếu lòng tin, cần xây dựng lòng tin về biển Đông. Đối thoại là cần thiết nhưng chưa đủ, phải minh bạch trong quan điểm, minh bạch trong chính sách. Đ
ó là điều kiện tiên quyết cho quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài và công bằng. Một thực tế khác, biển Đông là vùng biển có vai trò quan trọng cho thương mại quốc tế. Sự tự do đi lại, an toàn hàng hải phải được đảm bảo trong mọi trường hợp.
Biển Đông cũng là vùng biển có hệ sinh thái và môi trường biển đa dạng. Sự bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường biển và hợp tác nghiên cứu khoa học là vì lợi ích chung không phải chỉ cho các quốc gia trong vùng biển Đông mà còn cho các thế hệ sau của cả nhân loại.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: Thảo luận trực diện và thẳng thắn
Hội thảo lần này có quy mô lớn hơn lần trước, với 65 học giả đến từ nhiều nước trên thế giới. Số lượng tham luận cũng nhiều hơn và chất lượng hơn.
Nhiều tham luận nêu các vấn đề quan trọng đối với các tranh chấp trên biển Đông. Các học giả quốc tế thảo luận nhiều, thẳng thắn, trực diện, nhiều lập luận chắc chắn, thuyết phục. Các học giả đánh giá cao khả năng hợp tác quốc tế của VN.
Tuyền Linh-Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.