Cần “xem giỏ bỏ thóc”

Thứ ba, ngày 16/04/2013 09:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc xây dựng các trung tâm dạy nghề, theo nhiều huyện thì phải “trông giỏ bỏ thóc”, nghĩa là trước hết phải có nhu cầu học, có thiết bị dạy học, có giáo viên... chứ không phải là xây cho có. Nhưng thực tế, các trung tâm “nhiều không” vẫn còn tồn tại.
Bình luận 0

Trung tâm dạy nghề nhiều “không”…

Trường tạm bợ, thiếu giáo viên buộc trung tâm phải hợp đồng thuê cán bộ giảng dạy, mượn cơ sở vật chất thiết bị là những thực trạng tồn đọng trong dạy và học tại Trung tâm Dạy nghề huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

img
Ngôi nhà 3 trong 1, phòng dạy học, phòng thực hành, phòng ngủ của học viên.

Ông Phạm Ngọc Hùng- Giám đốc trung tâm cho biết: Trung tâm được thành lập theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Từ khi đi vào hoạt động cho tới nay, trung tâm dạy nghề huyện đã mở được 17 lớp học với 525 học viên, dạy nghề cho 210 học viên về nông nghiệp trong đó chủ yếu là trồng lúa... Thế nhưng trung tâm phải mượn cơ sở vật chất để giảng dạy, nơi ăn ở của các học viên ngay trong nhà phòng chống thiên tai của huyện.

Kinh phí đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức nội trú còn hạn hẹp. Mỗi học viên được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học là không đủ. “Học viên trong trung tâm dạy nghề chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Ca Dong, Cơ Tu điều kiện kinh tế khó khăn. Trung tâm phải nấu cơm cho các em ăn no ngày 3 bữa để giữ chân các em ở lại lớp học”- ông Hùng bày tỏ

Tới thăm trung tâm, chúng tôi thấy chỉ có khoảng 15 chiếc máy may dùng để dạy nghề may. Còn lại, tiếng là trung tâm dạy nghề nhưng dạy nghề nào trung tâm cũng phải… mượn thiết bị. Trang thiết bị mượn từ dưới xuôi của Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Xong khóa học trả lại cho các trường. Đã có nhiều lúc không mượn được trang thiết bị dạy học trung tâm phải cho học viên học “chay”.

Một bất cập nữa là trung tâm không có văn bản chính thức để giải ngân nguồn vốn 30A cho công tác đào tạo dạy nghề nông thôn theo hình thức nội trú, UBND tỉnh Quảng Nam phải dựa vào Công văn 494 để giải quyết. Giáo viên phải xuống thôn, bản, phum, sóc vận động, tuyên truyền bà con đi học nghề nhưng không có chế độ gì. Vì thế, cả giáo viên và người học đều nản.

Những con số “nóng”

Tại tỉnh Hậu Giang, trong 3 năm, đã có 106 tỷ đồng được sử dụng để xây dựng trung tâm dạy nghề, cung cấp trang thiết bị dạy nghề. Ông Nguyễn Trung Liệt - Phó Giám đốc LĐTBXH tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Theo đề án của tỉnh, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở công lập là 106.200 triệu đồng. Trong đó xây dựng mới 1 trung tâm dạy nghề tại huyện Phụng Hiệp, đầu tư nâng cấp 1 trung tâm dạy nghề lên trường trung cấp nghề, đầu tư nâng cấp 5 trung tâm dạy nghề và trang bị mới, nâng cấp máy móc trang thiết bị”.

Theo Tổng cục Dạy nghề, cả nước hiện có 434 trung tâm dạy nghề, hoặc trường trung cấp nghề công lập cấp huyện; còn 263 đơn vị hành chính cấp huyện, thuộc 39 tỉnh, thành phố chưa có trung tâm dạy nghề, hoặc trường trung cấp nghề công lập.

Trung tâm Dạy nghề huyện Phụng Hiệp được đầu tư xây dựng mới năm 2010, với 4 phòng làm việc, 4 phòng học lý thuyết và 4 xưởng thực hành. Tất cả máy móc, trang thiết bị thực hành như máy may, điện lạnh, xe máy, hàn… đều được đầu tư mua mới hoàn toàn. Ông Nguyễn Đức Bằng- Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trước khi đầu tư xây dựng chúng tôi đã đi khảo sát tại nhiều trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh nên việc trang bị trang thiết bị, máy móc đều được đầu tư mua máy mới hoàn toàn và kỹ thuật phù hợp với điều kiện hiện nay” .

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Bằng cũng thừa nhận, trung tâm thì xây mới nhưng chưa có biên chế giáo viên chính thức. Trung tâm đang mở 15 lớp đào tạo nghề nhưng toàn bộ giáo viên tham gia giảng dạy đều hợp đồng và thỉnh giảng, do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và nâng chi phí lên rất cao.

Trong số 62 huyện nghèo, có 48 huyện nghèo đã có trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề công lập. Từ khi thực hiện Đề án 1956 đến nay, các địa phương đã bổ sung chức năng dạy nghề và đầu tư nâng cấp 97 trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem