Cảng cá Cửa Hội tấp nập tàu thuyền khi lượng tiêu thụ hải sản có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Cảnh Thắng
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Cảng cá tỉnh Nghệ An cho biết: “Trước và sau sự cố Formosa, tôi khẳng định biển ở tỉnh Nghệ An không bị ô nhiễm, tôm cá đánh bắt ở đây được đánh giá là sạch... Tuy nhiên do sự cố về môi trường biển ở Formosa đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Có thể nói rằng, sự cố đã xảy ra hơn 6 tháng nhưng hiện tại đại đa số người dân vẫn rất sợ mua cá biển về ăn. Đặc biệt, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, ngành dịch vụ hậu cần nghề cá hoàn toàn bị tê liệt...”.
Theo quan sát của phóng viên Báo NTNN, tại Cảng cá Cửa Hội - nơi cung cấp hàng trăm tấn cá mỗi ngày cho thị trường TP.Vinh và vùng phụ cận được biết, những ngày này dù các tàu đánh bắt cá ra vào tấp nập, nhưng lượng cá bán ra chỉ bằng 30% so với trước đây khiến cho các ngư dân và chủ các kho đông lạnh không khỏi lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Vân - một chủ kho đông lạnh trên địa bàn Cửa Hội chia sẻ: “Sau khi xảy ra sự cố Formosa gia đình tôi có thu mua một lượng lớn cá thu và mực... Tuy nhiên, lượng hàng đó đến nay gia đình tôi bán vẫn chưa hết, chỉ bán nhỏ giọt, cầm chừng... Đến nay kho đông của gia đình còn hơn 200 tấn cá nữa nhưng với sức tiêu thụ như thế này gia đình tôi chắc phá sản...”.
Trong khi đó chủ kho đông lạnh Phan Văn Hiếu cho hay: “Do vùng biển Nghệ An không ảnh hưởng đến sự cố môi trường ở Formosa nên lúc đó tôi thu mua một lượng lớn hàng để bán ra thị trường. Không ngờ hơn 5 tháng nay, lượng hàng tôi mua không bán được... Mỗi tháng chúng tôi mất hàng chục triệu tiền điện để bảo quản kho đông, hải sản không bán được chắc gia đình tôi phải đóng cửa thôi...”.
Ông Lê Kế Hồng – Cảng trưởng Cảng cá Cửa Hội cho hay: “Từ khi xảy ra sự cố Formosa, các ngư dân nơi đây bỏ thuyền không thèm ra khơi đánh bắt cá mà tạm thời chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Riêng các chủ kho đông hầu như không bán được hàng, tiền điện, tiền lãi suất ngân hàng khiến họ đứng ngồi không yên... Dù mấy ngày nay lượng tiêu thụ hải sản có khả quan, nhưng vẫn chỉ buôn bán cầm chừng chờ thời cơ.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An cho biết: “Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tới 87 cơ sở đông lạnh với trên 300 kho đông lạnh. Qua kiểm tra, từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đến nay có rất nhiều kho đông lạnh đang tồn hàng trăm tấn hải sản... Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh để cấp kinh phí hỗ trợ các ngư dân và tiền điện đối với các kho đông nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để giải ngân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.