Đây là lần đầu tiên Australia kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến một mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết: “Đây là bước tiếp theo quan trọng và thích hợp mà Australia thực hiện.”
Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham (Nguồn: ABC)
“Chúng tôi rất tự tin rằng dựa trên bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi đã tổng hợp, Australia có thể thực hiện một vụ kiện để bảo vệ tính toàn vẹn và quyền sở hữu của những người trồng ngũ cốc và sản xuất lúa mạch của chúng tôi.”
Trung Quốc hồi tháng 5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do phá giá, "gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa". Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 19/5 và thời hạn lên tới 5 năm, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.
Australia là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc với tổng trị giá xuất khẩu lên tới 1,3 tỷ USD/năm. Australia từng thừa nhận nước này không có nhiều thị trường thay thế ngoài Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có thể chuyển sang nhiều nhà cung cấp khác như Pháp, Canada, Argentina và một số nước châu Âu.
Bộ trưởng Thương mại cho biết cách Trung Quốc phản ứng trước việc Australia kiện mức thuế đối với lúa mạch lên WTO sẽ cho các ngành khác thấy được thái độ của nước này trong việc giải quyết các vấn đề thương mại trong tương lai.
“Chúng tôi cũng hy vọng nó sẽ mang đến một cuộc kiểm tra có hệ thống liên quan đến cách thức xử lý quyết định và vụ việc này của Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Birmingham nói.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, lúa mì và len.
Australia từng đưa Canada ra WTO do liên quan đến các vấn đề thương mại rượu vang và khởi kiện Ấn Độ liên quan đến sản phẩm đường. Truyền thông Trung Quốc cũng liên tục công kích Australia để đáp trả lại những động thái như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.