Cảnh báo "bệnh thế hệ mới" cực nguy hại nhưng lại hấp dẫn giới trẻ

Tào Nga Thứ ba, ngày 20/12/2022 10:48 AM (GMT+7)
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo về vấn nạn thuốc lá điện tử -" bệnh thế hệ mới" đối với học sinh và cho rằng "các bậc phụ huynh phải chủ động để ý con cái".
Bình luận 0

Thuốc lá điện tử - bệnh thế hệ mới

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, về tác hại của thuốc lá điện tử có thể chia 3 nhóm:

Một là thuốc lá điện tử chứa nicotin. Dù nhiều nhà sản xuất đã tuyên bố là không có nicotin nhưng thực tế theo nghiên cứu thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin cao hơn cả thuốc lá. 

Hai là thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất phụ gia: tạo màu, tạo mùi, những chất này sẽ thay đổi theo thị hiếu, theo thời gian,… Theo nghiên cứu, trong thuốc lá điện tử có 60 hóa chất khác nhau, khói bốc lên có khoảng 40 hóa chất.

Cảnh báo bệnh "thế hệ mới" cực nguy hại nhưng lại hấp dẫn giới trẻ - Ảnh 1.

Học sinh nói tục, hút thuốc trước cổng trường. Ảnh: ĐNQ

Thứ ba là thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn quay ra bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác. Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não… Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng: "Đây là bệnh thế hệ mới".

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo: "Tôi nhấn mạnh là các bậc phụ huynh chủ động để ý con cái thì phát hiện ra ngay con đang sử dụng thuốc lá điện tử. Không nên đợi đến lúc phát hiện các dấu hiện bệnh tật trên người. Bởi có rất nhiều người mới hút có thể chưa ngấm sâu độc tính, vẫn đang giai đoạn đầu chưa tổn thương sâu. Chúng ta không nên đợi triệu chứng bởi khi xuất hiện triệu chứng là đã sử dụng quá nhiều, cơ thể, nội tạng bị tổn thương sâu".

Theo thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội, thời gian qua báo chí phản ánh tình trạng báo động học sinh hút thuốc lá điện tử và đã có học sinh bị ngộ độc, tử vong. Đây là nỗi bất an cho mỗi gia đình, cho nhà trường, xã hội nói chung. Không ít học sinh sử dụng với lý do giải tỏa căng thẳng, strees, thậm chí lý do bất mãn với bố mẹ, thầy cô. Đặc biệt ở lứa tuổi muốn thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi qua đó chống đối nội quy của nhà trường. Thậm chí thể hiện bản thân là lớn hơn cùng trang lứa, ngầu hơn. Nhưng lo lắng nhất là việc dùng thuốc lá điện tử theo nhóm cùng chơi. 

Hiện nay có sự biến tướng của thuốc lá điện tử, thực tế xảy ra trong nhà trường. Để bắt gặp các em đang sử dụng thuốc lá điện tử không đơn giản, học sinh lợi dụng giờ giải lao, nhà vệ sinh, góc khuất để sử dụng.

Nhà trường đã phối hợp với chi đoàn giáo viên kiểm tra hành chính đột xuất. Khi phát hiện thì xử lý kịp thời theo nội quy như mời phụ huynh đến để trao đổi, có biện pháp để giáo dục các em.

"Nhà trường rất quan tâm tới tác hại phòng chống thuốc lá trong học đường. Căn cứ theo văn bản của Bộ cũng như bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa thuốc lá. Đây là bộ tài liệu được xem như kim chỉ nam để tuyên truyền cho học sinh. Trường THCS Nguyễn Công Trứ không chỉ tuyên truyền một chiều. Học sinh tự tìm hiểu, biến mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên để tuyên truyền với các bạn. Lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động dưới cờ.

Nhưng việc phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học cũng gặp không ít khó khăn. Đó là dễ mua, có loại không để lại mùi, khó phát hiện. Thiết bị được ngụy trang dưới dụng cụ sử dụng hàng ngày. Đây là khó khăn cho công tác quản lý của trường", thầy Dương cho hay.

Chất cấm nâng lên tầng cao mới

Theo chuyên gia Tâm lý, thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh, Dự án Phi chính phủ Hoàng Gia Anh cho biết, vấn đề thuốc lá điện tử không phải là vấn đề của Việt Nam, không chỉ trong học sinh, sinh viên mà cả trong người lớn. Vậy người lớn muốn cấm thuốc lá điện tử vì biết nguy hại nhưng tại sao loại này lại hấp dẫn đến các bạn trẻ đến thế?

"Lý giải việc này thì chúng ta phải nhìn nhận, thuốc lá điện tử không phải là chất cấm đầu tiên ở cổng trường. Thực sự về mặt cách gọi tên và hình thức của loại chất cấm này lên một tầng cao mới. Như thời điểm năm 2015 – 2016, hiện tượng "tem giấy" xuất hiện như một món đồ chơi cho trẻ con đã qua mặt được biết bao nhiêu phụ huynh, đồng thời khiến cho xã hội thời điểm đó 1 phen phải lo lắng về những nguy hiểm nơi ngoài cổng trường.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đã phải nói đây là: "Bệnh thế hệ mới". Cái tên này khiến cho người nghe cảm thấy lo lắng. Rõ ràng, việc này không những kích thích sự tò mò của các bạn học sinh sinh viên, mà còn khiến các bạn ấy lầm tưởng về những lợi ích mà nó có thể mang lại. Tôi nghĩ, những điều này đôi khi còn làm chính cả người lớn hiểu lầm chứ không chỉ riêng các trẻ.

Vậy nên dưới góc độ tâm lý học, khi các loại chất cấm, chất gây nghiện xâm nhập vào môi trường học đường dưới những hình thức mới lạ, trá hình những điều tốt đẹp hoặc những điều tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, dễ gây nhầm lẫn chính là lý do khiến cho chất cấm, chất gây nghiện vẫn có thể len lỏi vào trong môi trường học đường", thạc sĩ Đỗ Trần Phương An cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem