Ăn mặn - tăng huyết áp
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, lượng muối mà người Việt Nam tiêu thụ trung bình dao động từ 12 – 15g/người/ngày. Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp 2 lần lượng được khuyên dùng hàng ngày.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, mỗi người nên tiêu thụ ít hơn 5g muối mỗi ngày (tương đương 1 thìa cà phê). Lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn (81%), có sẵn trong thực phẩm chế biến sẵn (11,6%) và trong các thực phẩm tự nhiên. Bột canh và nước mắm là 2 nguồn chính cung cấp muối hàng ngày.
Thông tin
TS Nguyễn Lân Việt •
Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam
Ăn mặn khiến cho khối lượng tuần hoàn máu gia tăng, làm tăng áp lực lên thành mạch, kéo theo tăng huyết áp. Lâu ngày sẽ kéo theo sự gia tăng các biến chứng do tăng huyết áp như đột quỵ, bệnh tim mạch...
TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định, người Việt đang ăn quá mặn, có hại cho sức khỏe. Ngoài việc hay ăn muối, nước mắm – là các thức chấm rất mặn, các thức ăn của người Việt cũng có nhiều món rau củ quả muối chua (dưa, cà, sung…) ăn kèm hàng ngày khiến lượng muối đưa vào cơ thể ngày càng nhiều hơn.
Nhiều loại “đặc sản” thường có khác ở Việt Nam như mắm tôm, mắm cá, mắm tép đều “thấm đẫm” muối, khiến lượng muối mà người Việt đưa vào cơ thể rất khó kiểm soát.
Theo WHO, việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến (hoặc góp phần) làm bệnh tăng huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Theo điều tra quốc gia, tỷ lệ tăng huyết áp ở người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. WHO ước tính bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, chiếm khoảng 33% tổng số ca tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy, tại Hà Nội, người dân sử dụng 9g muối/ngày khiến tỷ lệ tăng huyết áp cao là 11%. Còn người Nghệ An dùng 13g muối/ ngày nên tỷ lệ tăng huyết áp cũng lên đến 17 - 18%.
GS - TS Nguyễn Lân Việt - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án phòng, chống tăng huyết áp cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh tăng huyết áp của Việt Nam ngày càng cao là do thói quen ăn mặn của người dân.
“Ăn mặn khiến cho khối lượng tuần hoàn máu gia tăng, làm tăng áp lực lên thành mạch, kéo theo tăng huyết áp. Lâu ngày sẽ kéo theo sự gia tăng các biến chứng do tăng huyết áp như đột quỵ, bệnh tim mạch” – GS Việt nhấn mạnh.
Kiểm soát lượng muối
Theo TS Lâm, muối rất quan trọng cho cơ thể giúp phục hồi sinh lực, bổ sung nhiều khoáng chất bị tiêu hao trong quá trình lao động, luyện tập, ốm đau, giúp kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp… Thiếu muối có thể khiến người bệnh bị chuột rút, hoa mắt chóng mặt, thậm chí hôn mê, tử vong. Những trường hợp tiêu chảy đi ngoài nhiều nếu không được bù nước và muối thì sẽ dễ nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, nếu ăn quá lượng muối cần thiết thì gây hại không ít cho sức khỏe. Trong muối có chứa nhiều natri (sodium) – một trong những chất điện giải cho cơ thể nên ăn nhiều muối sẽ dẫn tới rối loạn điện giải, ảnh hưởng tới thần kinh. Ăn mặn còn dẫn đến sỏi thận, ung thư dạ dày, thận hư nhiễm mỡ… Phụ nữ mang thai ăn mặn có thể dẫn đến tiền sản giật – gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
Theo TS Lâm, các gia đình nên hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể mỗi ngày. Phụ nữ, trẻ em và người già, người bị huyết áp cao nên ăn nhạt, dưới mức khuyến cáo (ít hơn 5g muối/ngày). “Nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối như mì sợi, thực phẩm đông lạnh, dưa chua, mắm tôm, mắm cá…” – TS Lâm cho biết.
Các biện pháp hạn chế muối: Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn; Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho 1 người/bữa; hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên; cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối. (theo WHO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.