Cảnh báo khẩn về mùa khô: 52.700 hộ ở ĐBSCL đối diện nguy cơ khát

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 25/11/2019 11:38 AM (GMT+7)
Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 20 - 50%... Tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020 đang hiện hữu ngay trước mắt, đe dọa đến sản xuất và đời sống. Bộ NNPTNT đã có những cảnh báo khẩn về tình hình này.
Bình luận 0

52.700 hộ ở ĐBSCL đối diện nguy cơ khát

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có thể khiến nhiều người lo lắng khi nguy cơ một mùa khát sắp sửa lại đến, ảnh hưởng trên diện rộng. Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm ở Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 20 - 50%. 

Điều này sẽ khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020 nghiêm trọng hơn, trong khi xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ đến sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.

Từ thực tế này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo, do năm 2019 lũ nhỏ, mùa mưa kết thúc sớm nên hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa vùng ĐBSCL. Dự báo, trong tháng 12/2019, ranh mặn 4g/lít (còn gọi là độ mặn 4%o) lấn sâu vào nội đồng từ 20 - 30km; tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/lít sẽ tiếp tục ăn sâu vào từ 40 - 67km (cao hơn 10 - 15km so với trung bình nhiều năm).

Một mùa khô khắc nghiệt nhất được dự báo xảy ra đầu năm 2020 đã bắt đầu xuất hiện. Dự báo sẽ có khoảng 52.700 hộ ở các địa phương ven biển ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tới.

img

 Hồ chứa nước ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) ở dưới mực nước chết trong vụ hè thu 2019 khiến sản xuất của nông dân bị ảnh hưởng. (ảnh: tư liệu)

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang cũng nhận định, khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn cùng kỳ năm ngoái, dự báo xấp xỉ đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Riêng tại Kiên Giang, ranh mặn 4g/lít trên sông Cái Lớn có khả năng xâm nhập sâu khoảng 40km trong tháng 1/2020 và sau đó đạt mức cao nhất vào những ngày cuối tháng 4 - 5.

Trong khi đó, các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và không lớn. Lượng mưa từ tháng 1 - 6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 20 - 90%. Điều này dẫn đến tình trạng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35 - 60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như Thu Bồn, Trà Khúc.

Do lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay thấp hơn từ 15 - 30% so với mọi năm nên lượng nước tại các hồ thủy lợi khu vực Nam Trung bộ mới đạt từ 42 - 82% dung tích thiết kế. Các tỉnh có dung tích trữ còn thấp như: Bình Định 42%, Phú Yên 54%, Ninh Thuận 52%, Khánh Hòa 55%.

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), tình hình khô hạn có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, nhất là tại Tây Nguyên, bởi địa bàn này có tới 70% diện tích ở ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi. Điều đáng lo ngại là, nhiều hồ lớn trong khu vực đang ở mực nước thấp, lượng nước tích chỉ bằng 30% so với dung tích thiết kế như hồ Ka Nak (Gia Lai). 

Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, do dự báo lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, các hồ chứa lớn chưa đạt đủ lượng nước theo dung tích thiết kế (hồ chứa lớn của Bình Định lượng nước mới đạt 20-50%; cá biệt tại Ninh Thuận, một số hồ vừa và lớn hiện lượng nước chỉ đạt 10-20%) nên Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương này cần chủ động tích trữ nước, từ đó có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gieo cấy cho phù hợp. 

Chủ động ứng phó

Với các tỉnh ĐBSCL, bài học về những thiệt hại trong mùa khô 2015 - 2016 vẫn còn thấy rõ và để lại những ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy, ngay khi Bộ NNPTNT có Chỉ thị 8008 ngày 25/10/2019 về việc tăng cường các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2019 - 2020, các địa phương đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Lãnh đạo Sở NNPTNT Hậu Giang cho hay, để hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh  đã thông báo cụ thể lịch thời vụ cho người dân xuống giống lúa đông xuân. Thời điểm xuống giống đợt 1 với diện tích khoảng 5.000ha bắt đầu từ ngày 20 - 26/10; đợt 2 từ ngày 19 - 28/11 diện tích khoảng 50.000ha; đợt 3 từ ngày 17 - 23/12, diện tích khoảng 23.000ha. 

Ông Đồng Văn Thanh  - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đề nghị các ngành, địa phương của tỉnh có kế hoạch và theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình xâm nhập mặn vào địa bàn. Nắm lại số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ.

Tại TP.Cần Thơ, Sở NNPTNT phối hợp các sở, ngành, quận, huyện triển khai nạo vét những tuyến kênh bị bồi lắng, đắp đập, kiểm tra vận hành các trạm bơm, đảm bảo trữ ngọt phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt; xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình thủy lợi cần thiết, cấp bách để bảo vệ 73.000ha sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh sẽ rà soát những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, vận hành hệ thống cống tại TP. Rạch Giá, ven sông Cái Lớn để ngăn mặn và giữ ngọt... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem