Cảnh báo nhiều người trẻ đột ngột ngưng tim, ngưng thở

Bạch Dương Thứ năm, ngày 27/10/2022 16:12 PM (GMT+7)
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM liên tục tiếp nhận các trường hợp ngưng tim, ngưng thở. Điều đáng lưu ý, trong số những bệnh nhân trên, nhiều người còn rất trẻ.
Bình luận 0
Cảnh báo nhiều người trẻ đột ngột ngưng tim, ngưng thở - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang cấp cứu một ca nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh: BVCC

Anh Trần H.T. (sinh năm 1978, quận 7) đang làm việc tại công trường thì đột ngột tím tái, khó thở, sau đó ngất đi. Anh được đồng nghiệp phát hiện, đưa vào Bệnh viện Quận 7 trong tình trạng ngưng tim ngưng thở. Mạch và huyết áp không đo được.

Bệnh nhân được các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện này tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao với ấn tim ngoài lồng ngực, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản, được xử lý sốc điện 3 lần do nhồi máu cơ tim cấp.

Sau hồi sức tích cực khoảng 15 phút, tim bệnh nhân đập lại, mạch và huyết áp đo được, các bác sĩ hội chẩn qua điện thoại và chuyển ngay bệnh nhân qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cấp cứu đã hội chẩn ngay với bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp, chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ nhất có biến chứng ngưng tim ngoại viện đã được hồi sức thành công.

Bệnh nhân có chỉ định phải tái thông mạch vành cấp cứu.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, tắc nhánh động mạch liên thất trước (động mạch lớn nhất nuôi tim). Thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện tới lúc bệnh nhân được tái thông mạch vành khoảng 30 phút.

Hiện bệnh nhân hết đau ngực, tự thở khí trời, đi lại bình thường, mạch và huyết áp ổn định; điện tim, siêu âm tim và các xét nghiệm cận lâm sàng của các cơ quan trong giới hạn bình thường.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Ng. Đ (sinh năm 1964, ngụ tại quận 11) đang đi bơi thì đột nhiên đau ngực, khó thở. Sau đó khoảng 30 phút, ông được người dân phát hiện bị tím tái nên gọi cấp cứu. Đội cấp cứu tiếp xúc bệnh nhân với tình trạng mê, ngưng tim ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu của đội cấp cứu 115 tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao với ấn tim ngoài lồng ngực, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản ngay trên xe cứu thương. Sau đó bệnh nhân có biểu hiện rung thất nên được xử lý sốc điện 5 lần.

Sau hồi sức tích cực khoảng 50 phút, bệnh nhân có tim đập lại, mạch và huyết áp đo được nên được hội chẩn qua điện thoại và chuyển ngay qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh nhân được chỉ định tái thông mạch vành cấp cứu.

Sau can thiệp, bệnh nhân bị suy đa cơ quan do ngưng tim ngưng thở kéo dài và được chuyển đến Khoa Hồi sức Tích cực tiếp tục điều trị và theo dõi. Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực với thở máy, điều chỉnh thuốc vận mạch, lọc máu liên tục, kháng sinh và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân ngừng được thuốc vận mạch, và sau đó bệnh nhân được cai máy thở và rút nội khí quản sau 18 ngày điều trị.

Theo TS.BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám dốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, những trường hợp trên là điển hình ngưng tim ngưng thở do rối loạn nhịp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Một ca can thiệp động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp. Clip: BVCC

Nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp thường dễ tử vong ở những giờ đầu tiên trước khi vào đến bệnh viện vì các biến chứng liên quan đến rối loạn nhịp. Đặc biệt, khi bệnh nhân đã có ngưng tim ngoài bệnh viện, thì tỷ lệ tử vong trên 90%.

"Nếu được nhập viện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 6 - 10%. Khi đã có biến chứng choáng tim, tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao tuy nhiên nếu được can thiệp động mạch vành kịp thời sẽ cứu sống rất nhiều người bệnh", TS.BS Phương Duy cho biết.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cấp bao gồm bệnh nhân đã từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, có những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như lớn tuổi, thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; hút thuốc lá; tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu; stress về thể chất và tinh thần.

Các triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim gồm: Đau sau xương ức hoặc đau ngực trái; kiểu đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt; Cơn đau có khi lan lên cổ, hàm dưới, vai trái hoặc bờ trụ tay trái. Một số trường hợp lan xuống thượng vị nhưng không bao giờ vượt quá rốn; Những cơn đau ngực thường kéo dài trên 30 phút.

Triệu chứng kèm theo thường gặp gồm khó thở, vã mồ hôi (đau ngực sau xương ức, kéo dài trên 30 phút, kèm vã mồ hôi gợi ý rất nhiều đến nhồi máu cơ tim)

Một số bệnh nhân không biểu hiện đau ngực mà có những triệu chứng không đặc hiệu như cảm giác mệt mỏi, cảm giác hồi hộp, khó thở, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem