Cánh đồng mẫu lớn

Thứ ba, ngày 05/04/2011 15:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ám ảnh từ các mô hình “hợp tác xã nông nghiệp” thời bao cấp đã khiến nông dân rất ngại ngần khi nghe nói đến chuyện làm ăn tập thể. Nhưng ở mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thì mô hình làm ăn tập thể đã hoàn toàn khác thời trước.
Bình luận 0

Đó là mô hình góp ruộng để mọi chi phí sản xuất lúa trở nên thấp nhất, và chất lượng lúa cũng như giá lúa hàng hóa đạt tới mức cao nhất có thể. Đó là quy trình sản xuất lúa sạch có kiểm tra và kiểm chứng để hạt lúa làm ra đạt ngay chất lượng xuất khẩu.

Dĩ nhiên, ruộng của ai thì người ấy hưởng phần thu nhập của mình, nhưng khi tập trung ruộng lại, sẽ xuất hiện những “cánh đồng lớn” với diện tích có thể lên hàng nghìn hécta. Trên cánh đồng lớn ấy, các phương tiện cơ giới nông nghiệp tha hồ tác nghiệp, và các quy trình bón phân, rải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Giá “đầu vào” vì thế giảm rất đáng kể.

Nhưng để có những “cánh đồng mẫu lớn” như thế thì một mình nông dân không thể làm được, và cũng khó thành công. Cần một công ty gắn bó mật thiết với nông dân, có quyền lợi đi cùng với quyền lợi nông dân đứng ra tổ chức và cầm trịch.

Ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, “người cầm trịch” cho những “cánh đồng mẫu lớn” ấy chính là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Muốn bán phân bón hay các thứ thuốc BVTV cho nông dân một cách lâu bền nhất, thì tốt hơn cả là phải xắn tay áo cùng tham gia làm lúa với nông dân. Nông dân được thì công ty BVTV cũng được. Và ngược lại, khi gặp rủi ro, thì người nông dân có được sự chia sẻ hữu hiệu từ “người cầm trịch” này.

Muốn đóng được vai trò “người cầm trịch” như vậy, Công ty BVTV An Giang phải đặt quyền lợi nông dân trước quyền lợi của mình, hay chí ít là ngang với quyền lợi của mình. Vì thế, công ty mới bỏ vốn xây nhà máy xay xát đạt công suất 1.000 tấn/ngày ngay tại xã Vĩnh Bình.

Không ép nông dân bán lúa cho mình với giá rẻ, công ty còn sẵn sàng cho nông dân mượn kho trữ gạo một tháng không tính chi phí, miễn sao nông dân có thể đạt thu nhập tốt nhất từ hạt lúa mình làm ra. Chi phí sản xuất 1kg lúa ở “cánh đồng mẫu lớn” này chỉ có 2.200 đồng, trong khi những nơi khác chi phí lên tới 3.200-3.500 đồng/kg. Nông dân lại bán lúa cho công ty được giá cao (từ 6.300-6.600đồng/kg).

Với mô hình “cánh đồng mẫu lớn” này, cách tổ chức làm ăn tập thể trong sản xuất nông nghiệp vẫn tỏ ra rất hiệu quả, miễn là mô hình làm ăn tập thể ấy hợp lý, khoa học và “tất cả vì nông dân”.

Nghĩa là cái tâm của những công ty “cầm trịch” phải sáng, không thể vì cái lợi nhỏ nhoi trước mắt, hay vì tham lợi theo kiểu bất chính mà lừa nông dân. Bởi, khi đã cùng đặt lợi ích của công ty mình đồng hành và gắn bó với lợi ích nông dân, khi mình làm lợi cho nông dân chính là làm lợi cho mình, thì quan hệ sản xuất sẽ lành mạnh và bình đẳng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem