Không còn cơ hội "học mót"
Trong tất cả các vùng của 3 xã thì đội 1, xã Xuân Quan (Văn Giang) là chịu hậu quả nặng nhất của việc mất đất sản xuất. Gần 50% số đất nông nghiệp tại đây đã được chuyển đổi thành vùng trồng cây cảnh lớn và có đầu tư nhiều nhất. Khi chính thức thành đất dự án, không chỉ các ông bà chủ các khu vườn trồng cây cảnh chịu thiệt, mà hàng nghìn lao động có thu nhập cao cũng sẽ mất việc làm.
|
Những nông dân này sẽ không còn cơ hội kiếm việc làm ở Xuân Quang (Văn Giang) . |
Mảnh đất rộng 5 mẫu "rút cọc rào cũng ra tiền triệu" của nhà anh Phan Văn Táo phải thuê thường xuyên 10 người làm, lương tháng 3,5 triệu đồng, nuôi ăn. Tính ra với 1 mẫu đất (khoảng 0,3ha) của khu ruộng này đã tạo công ăn việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập 70 triệu đồng/năm, lại thêm chi phí ăn uống.
Các lao động tại đây cho biết: "Bọn tôi đã làm nhiều năm tại đây, công việc không nặng nhọc, người quá tuổi lao động cũng có thể làm được". Riêng đội 1 có khoảng 40 người có quy mô làm cây cảnh tương đương anh Táo, có nghĩa mảnh đất nhỏ này tạo công ăn việc làm cho gần 400 người.
Trong những người đến với khu vườn này, có một toán người phương xa cũng buồn lây với nỗi niềm của người dân Xuân Quan. Toán người này gồm 6 phụ nữ, nếu làm Nhà nước thì đã lĩnh lương hưu vài năm. Họ đến đây xin việc làm tại các vườn cây cảnh.
Bà Trần Thị Thảo cho biết: "Chúng tôi cũng là nông dân bị mất đất bên huyện Như Quỳnh. Già rồi, chỉ có mỗi việc làm đồng, làm bãi là quen việc nên cũng sang đây làm thuê kiếm thêm chút đỉnh, tiện thể "học mót" tí nghề cây cảnh. Nhưng năm nay các chủ vườn bảo: Là đất dự án rồi nên không dám làm rộng thêm, các bà thông cảm".
Chỉ sang vạt ruộng trống hoác còn trơ gốc rạ, chị Tuyền - một chủ vườn bảo: "Thèm lắm! Đất thế kia mà không được chuyển đổi để trồng cây cảnh, đúng là phí của giời".
Nghịch lý đất vàng
Từ khi chính thức được quy hoạch vào dự án (2004), mọi kế hoạch chuyển đổi sản xuất bị dừng lại, trong khi các chủ vườn tại đây rất muốn mở rộng sản xuất. Các chủ vườn sẵn sàng trả 1 tấn thóc/năm cho 1 sào ruộng để trồng cây cảnh, nhưng do quy định, người dân đành phải cặm cụi, phơi mặt cày cấy trồng lúa để mỗi năm nhận về non nửa số thóc so với cái giá thuê ấy.
Hiện tại, làng cây cảnh này còn khoảng 50ha chỉ được trồng lúa, buộc phải "đẻ" ra một sản lượng thảm hại, dù cho với hoàn cảnh hiện tại đáng lẽ ra nó phải góp ích gấp rất nhiều lần như thế. 8 năm bị đưa vào quy hoạch, số tiền bị mất vì để đất trống của những mảnh vườn không được chuyển đổi trong số 500ha tại đây sẽ là một con số rất lớn.
Đã có nhiều chủ vườn phải vượt sang bên kia triền đê, ra bãi sông tìm đất trồng cây cảnh. Nhưng trồng cây cảnh ở bãi sông thì đúng là bê túi tiền đặt trước mồm Hà Bá. Hơn thế nữa, chất đất không phù hợp và hệ thống tưới tiêu thì nhờ ông trời nên họ chỉ sản xuất cầm chừng. Dự án đình trệ 8 năm, những mảnh ruộng đáng lẽ cho vài trăm triệu/ha cứ nằm co tại đấy. Người dân thì phải chịu cảnh "Mỡ treo, mèo nhịn đói".
Bài 3: Bán lúa non trên cánh đồng trăm triệu
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.