Giá dầu khiến cả thế giới bất an. Ta vừa hưởng lợi, vừa thiệt hại
Sáng 14.3, Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 (Dự thảo) được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) công bố thu hút nhiều ý kiến của chuyên chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ.
“Cơ thể phát triển không đồng đều”
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC nhận định: Điểm nổi bật trong nền kinh tế năm 2015 là đạt thành tựu kép: Kiểm soát được lạm phát trong khi vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đều tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo.
Kể từ năm 2013 đến nay , hàng năm NFSC đều công bố báo cáo với mục tiêu để “Thay đổi tư duy làm chính sách, tăng thêm tính định lượng trong các phân tích dự báo. Tuy nhiên, công việc này vẫn gặp nhiều khó khăn vì dữ liệu thống kê của VN còn nhiều hạn chế và không sạch”, ông Ngoạn cho biết.
Báo cáo đã chỉ ra những khó khăn mà nền kinh tế năm 2016 phải đối mặt với việc kinh tế thế giới khó lường, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế trong bối cảnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nền kinh tế cần tới 10 triệu tỷ đồng vốn đầu tư.
Mặc dù đưa ra những kết quả “xét nghiệm” tương đối lạc quan về nền kinh tế, song ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch NFSC cũng chỉ ra những lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế.
“Tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng tăng 12,4%, tín dụng tăng 19% chứng tỏ cơ thể phát triển có phần không đồng đều. Hay như nhờ chống đô la hóa bằng cách triệt tiêu lãi suất khiến tỷ giá ổn định, nhưng rõ ràng tình trạng đô la hóa lại tăng lên”, ông Phước cho biết.
Liên quan đến Thông tư 36, cụ thể là đến BĐS và nợ xấu, ông Phước nói một cách hình ảnh : “Khi nhiệt độ tăng quá thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống” để không tạo ra tình trạng bong bóng BĐS trong tương lai. Tôi cho rằng không nên lo lắng nhưng cần phải có sự can thiệp sớm. Tín dụng BĐS cần phải được điều chỉnh từ NHNN”, ông Phước nhấn mạnh.
Năm 2016, gia tốc tăng trưởng sẽ chậm lại, do tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào FDI, chứng tỏ nội lực trong nước còn yếu. Bội chi ngân sách cao trong bối cảnh trần nợ công khiến cho dư địa cho đầu tư phát triển hạn chế...là những cảnh báo được NFSC dự báo.
Sức khỏe yếu nên cẩn thận khi “phanh ngực”
Ghi nhận sự đóng góp tích cực của báo cáo song TS.Trần Đình Thiên , Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng: Báo cáo nhận diện bối cảnh thì tốt nhưng cần đánh giá tác động, đưa ra những kết quả sâu hơn bởi tác động của bối cảnh đến nền kinh tế rất mạnh. Chẳng hạn Trung Quốc tác động đến cả thế giới. Ta yếu lại mở cửa mạnh, nghĩa là “phanh ngực” thì rất sợ, vậy nên cần sự đánh giá chính xác.
“Giá dầu khiến cả thế giới bất an. Ta vừa hưởng lợi, vừa thiệt hại” cũng nên được phân tích đánh giá thấu đáo hơn.
Cảnh giác với tư duy “ảo tưởng”, TS Thiên cho rằng: “Thế giới không tốt lên mà ta lại tốt lên. Nếu không được nhìn nhận cẩn thận dễ sinh ra ảo tưởng”, ông Thiên cảnh báo.
Năm nay ngân sách rất gay. Thị trường tài chính cần nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy nút thắt cơ cấu ở đâu? Hiểm họa của năm nay như thế nào, cần phải được cảnh báo rõ hơn.
Cùng đồng tình với ông Thiên, nguyên Thống đốc NH Lê Đức Thúy cho rằng: Đánh giá cái đã qua để hình dung cái sắp tới nên hình dung gì, nên làm gì, nhìn 2016 có gì khả quan.
Chẳng hạn về dự báo năm 2016 VN sẽ xếp thứ 2 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Liệu có khả quan như thế hay không?. “VN hay bị tư duy một chiều. Dự báo tốt cứ tin là nó tốt mà không lường hết những biến động”, ông Thúy nói.
Ông Thúy đặt vấn đề: “Nợ xấu dưới 3% là an toàn quá nhưng tại sao nợ ấu vẫn là vấn đề. Liệu sắp tới có nên mổ xẻ nợ xấu để tìm cho ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh”. Hay như tình trạng cả lãi suất huy động và cho vay đều tăng thì không thể nói doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường như 2015.
“Báo cáo cần phải đưa ra những nhận định để giúp cho có cái nhìn thực chất hơn”, ông Thúy đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.