Đến thăm gia đình bà Hà Thị Thặn, dân tộc Thái ở bản Lát, xã Tam Chung trong lúc bà đang lấy nhựa cánh kiến để bán. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, trước đây kinh tế gia đình bà chỉ dựa vào trồng cây lâm nghiệp, trồng sắn, ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Được chính quyền xã tuyên truyền, vận động gia đình bà phá bỏ một phần diện tích trồng sắn đầu tư trồng cây đậu thiều rồi mua giống cánh kiến về thả. Bà được cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch nhựa cánh kiến. Bà cho biết, cánh kiến đỏ chủ yếu sống trên các loại cây, như đậu thiều, cỏ khiết, cọ phèn...
Tuy nhiên ở huyện Mường Lát, đồng bào chủ yếu trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ. Cây đậu thiều cao từ 2 - 3m, thân và cành nhỏ, hoa màu vàng. Khi cây lớn đến ngang người, thì bà con bắt đầu thả cánh kiến đỏ lên các cành hoặc thân cây. Sau đó, cánh kiến đỏ tự sinh sôi, lan rộng và bám khắp các cành cây thành những mảng màu trắng.
Mùa thả cánh kiến đỏ hằng năm bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 10 thì thu hoạch, sau đó lại thả và đến tháng 4 thu hoạch. Cứ như thế, mỗi năm người dân thu hoạch 2 vụ cánh kiến đỏ. Đến nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng đậu thiều nuôi cánh kiến lên đến gần 1 ha. Từ nghề nuôi cánh kiến đỏ, mỗi năm cho gia đình bà thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: Nghề nuôi cánh kiến đỏ đã xuất hiện ở huyện Mường Lát từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ số ít hộ nuôi, sau đó nhận thấy giá trị của cánh kiến đỏ có thể giúp người dân vùng cao thoát nghèo, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện dự án nhằm nhân rộng diện tích trồng và số hộ nuôi cánh kiến đỏ. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng gần 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi cánh kiến đỏ, tập trung ở các xã Tam Chung, Mường Chanh, Quang Chiểu, thị trấn Mường Lát...
Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường. Để đầu ra ổn định, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Lát đã có doanh nghiệp được ủy quyền thu mua nhựa cánh kiến ổn định cho người dân. Nhờ nuôi cánh kiến đỏ, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát đã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.