Cảnh sắc mùa nước nổi An Giang đẹp như phim, đến dân bản địa ngắm còn mê nữa là người ngoài

Thứ hai, ngày 11/11/2024 05:29 AM (GMT+7)
Trải nghiệm mùa nước nổi An Giang là chuyến du lịch dân dã, mà mỗi nơi đặt chân đến sẽ có một cảm nhận khác nhau.
Bình luận 0

Ngắm cảnh bình minh rực rỡ, hoàng hôn lấp lánh và yên bình, đồng hành cùng người bản địa quây quần bắt cá, chế biến món ăn đồng quê… sự thú vị này không phải nơi đâu cũng có được.

Mùa nước nổi, đồng ruộng đón nước vào bồi đắp phù sa, hóa thành con sông, xóa nhòa mọi ranh giới, đường đê. Khách phương xa đến miền Tây cứ tròn xoe mắt, xuýt xoa trước cảnh xe máy bon bon lướt trên đồng nước, rẽ sóng thật kỳ lạ! 

Ở quán cà phê Nhà Quê (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), con nước tràn đồng mùa này thu hút các bạn trẻ tìm đến “check-in”. 

Không cần bày trí, cảnh quan tự nhiên cũng đủ hút hồn với mặt nước lăn tăn sóng, vài chiếc xuồng nho nhỏ đi tìm cá, ngôi nhà mát giữa đồng, tạo điểm nhấn cho biển nước càng thêm rộng lớn.

Dù mỗi năm con nước lớn nhỏ khác nhau, mùa nước đổ về như một cuộc hẹn, thiên nhiên và con người trở thành cảm hứng cho văn, thơ, nhiếp ảnh. 

Hoạt động giăng lưới, đánh cá, du lịch về miền sông nước là những yếu tố hiếm có chỉ miền Tây tự hào sở hữu. 

Người dân nắm bắt quy luật của thiên nhiên, biến nó thành lợi thế phục vụ lợi ích cho cuộc sống. 

Ngoài khai thác sản vật, bà con đưa chính nhịp sống thân thuộc của mình thành sản phẩm du lịch thời vụ để tăng thêm nguồn kinh tế.

img

Mùa nước nổi An Giang cảnh sắc đẹp nao lòng.

Dịch vụ phổ biến là bơi xuồng, chở ghe máy phục vụ khách tham quan tự do ra cánh đồng, chợ giữa sông. Ở những nơi cố định có dớn, vó, đăng lưới… họ tái hiện một phần hình ảnh mưu sinh cho khách thoải mái quay phim, chụp ảnh.

 Đôi bạn trẻ Tuấn Nguyễn và Thùy Linh từ Đà Nẵng tìm đến An Giang, mừng rỡ khoe chỉ vài ngày ngắn ngủi đã “thu về” những thước phim ấn tượng, đầy ắp kỷ niệm. Để tận hưởng cảm giác chân thực nhất, 2 bạn chọn điểm đến là một nhà dân, nhờ hướng dẫn các hoạt động thường nhật quanh kênh Trà Sư. 

Ở đây, theo chân ngư dân, họ được xem bắt cá, làm khô, làm mắm, được ngắm cảnh, ra chợ quê... Sản vật thiên nhiên gom về nhà, người lớn trẻ nhỏ xúm xít phân công chế biến các món ăn đặc sản tại chỗ.

Ai cũng mê cái mênh mông của con nước trải dài bất tận, nhất là vào hoàng hôn. Mấy ngôi nhà sàn đơn sơ, bóng cây còng già dưới ánh nắng chiều lấp lánh đẹp lạ. 

Du khách còn bị thu hút bởi nhịp sống sôi động trong mùa nước nổi, nơi đâu cũng thấy bóng xuồng ghe lang thang trên đồng nước, trong khoang nhỏ hay bên mạn xuồng chứa đủ loại cá tôm. “Tôi gặp nhiều khách tham quan trong tỉnh, họ gốc ở thành phố, hoặc hồi xưa từng sống ở quê, suốt chuyến đi ai cũng thích thú. Chính người bản địa còn mê, nói chi phương xa như tụi tôi” - anh Tuấn Nguyễn chia sẻ.

Mỗi năm có biết bao thế hệ lớn lên, tha phương tứ xứ. 

Quê nhà vẫn ở đó, mà nhìn khung cảnh quen thuộc lại thương nhớ quá đỗi. Anh Thanh Sang sinh sống ở TP. Long Xuyên tròn 20 năm, có lẽ thấm cảm giác đó sâu sắc hơn ai hết. Anh kể: “Quê tôi ở đầu nguồn Tân Châu, hồi đó ngay trước nhà là cánh đồng bát ngát. 

Năm nào tôi cũng trông ngóng, quan sát từ xa thấy nước vào từng chút. Nước tràn lên đường, dâng cao đến sàn nhà, cả xóm rủ nhau câu cá. Vùng đó sau này được đê bao, chúng tôi không còn thấy mùa nước nổi nữa”.

Nhờ sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, nhịp sống quanh ta được khắc họa sinh động hơn bao giờ hết, trong đó có mùa nước nổi. Cái đẹp tươi mát trong buổi sớm mai, rau trái đung đưa theo làn gió khoe sắc xanh non mởn. 

Cái đẹp nao nao cuối ngày ngắm đàn chim bay về tổ gấp gáp qua đồng nước mênh mông. Cái đẹp gợi lên nhiều tâm trạng của một buổi chiều chuyển mưa, lớp lớp tầng mây giận dữ nhuộm sắc màu u ám lên cả cánh đồng, bao trùm không gian mênh mông, hiu quạnh. Dẫu biết phía sau cảnh đẹp bình yên là cuộc sống vất vả của bao phận đời vất vả mưu sinh.

“Tôi rời quê lên TP. Hồ Chí Minh buôn bán, chỉ nhìn qua điện thoại mà nhớ quê da diết. Thời xưa, con nít đợi mùa nước về để được tắm đồng, bắt chuột, câu cá… đến giờ vẫn vậy. Nhờ mạng xã hội, mỗi năm mùa nước về lại được ôn chút kỷ niệm, thấy không nơi đâu đẹp bằng quê mình” - chị Mỹ Ngân, người con “xứ nếp” Phú Tân chia sẻ. 

Trong suy nghĩ của chị Ngân, rời quê đi làm ăn là chuyện tạm thời, muốn trở về khi nào chẳng được. Ấy vậy mà rất nhiều lý do chi phối, những phận đời như chị cứ lần lữa dự định đó qua năm tháng.

Có hẹn hay không thì mùa nước nổi vẫn về, mang theo một phần ký ức của biết bao thế hệ lớn lên ở miền Tây.

Còn gì êm đềm hơn cảm giác thả hồn trên đồng với chiếc xuồng con, rảo một vòng cho đám trẻ con tắm mát, tranh thủ hái mớ rau đồng, gỡ cá, thưởng trọn bữa ăn không mất tiền mua. Bức tranh thiên nhiên đó là một không gian mở, người già kể về thời khẩn hoang, thiếu ăn, lao động lam lũ; lớp trung niên hoài niệm khoe thú vui tuổi thơ. 

Còn người trẻ sống giữa mùa nước nổi, mượn cảnh bây giờ để hình dung về con nước của hàng chục năm trước.

Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem