Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu: Bỏ hẳn thói quen canh tác lạc hậu

Chúc Ly Thứ tư, ngày 19/10/2016 10:06 AM (GMT+7)
“Canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là mô hình mang lại hiệu quả tích cực mà trước đây chưa từng có được” - đây là đánh giá chung của nhiều nông dân, đưa ra tại hội thảo tổng kết mô hình này năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm 17.10.
Bình luận 0

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo nông dân đến từ 13 tỉnh, thành trong khu vực thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH.

Giảm lượng giống sạ, ít sâu bệnh 

Được biết, canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH là mô hình thực hiện trong vụ hè thu 2016. Mỗi tỉnh sẽ chọn 5 nông dân với diện tích thực hiện mô hình là 0,5ha, tổng diện tích là 2,5ha/tỉnh; thực hiện canh tác lúa theo mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ hoặc 3 giảm 3 tăng do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì. Tổng số lượng nông dân tham gia ở 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL là 65 hộ, với tổng diện tích thực hiện là 32,5ha.

img

Nông dân tham quan mô hình và trao đổi về trồng lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ảnh: C.L

Số liệu từ việc tổng kết các mô hình cho thấy, lượng giống gieo sạ trong mô hình biến động từ 74-82kg/ha, trong khi đó ruộng đối chứng của nông dân từ 104-200kg/ha; giảm lượng phân bón, giảm cao nhất là lượng đạm và lân, hầu hết các ruộng đối chứng đều bón phân đạm trong vụ hè thu hơn 100kg/ha. Tất cả các mô hình tại 13 tỉnh, thành năng suất mô hình đều đạt cao hơn so với năng suất ruộng đối chứng từ 200-1.000kg/ha. 

Thạc sĩ Hồ Thế Huy – chuyên viên marketing, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, thông tin: Mục tiêu của chương trình là giúp nông dân trồng lúa nắm bắt được các kiến thức khoa học tiên tiến và tự ứng phó được với các điều kiện bất lợi của môi trường.

Các mô hình được xây dựng ngay tại các vùng canh tác lúa trọng điểm và gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nhiễm phèn, mặn… Đồng thời, mỗi nông dân tham gia mô hình bắt buộc phải có diện tích ruộng đối chứng được thực hiện cùng thửa hoặc có điều kiện canh tác tương đồng với ruộng mô hình để có cơ sở so sánh.

Nông dân Nguyễn Văn Sáu (huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long), phấn khởi: Vùng tôi là vùng mặn, 2 năm nay sạ lúa rất khó khăn. Vụ hè thu vừa rồi tôi sử dụng giống OM 5451, áp dụng theo mô hình canh tác thông minh này tôi thấy hiệu quả rất cao. Trước tiên là giảm được lượng giống, chỉ sử dụng 80kg/ha trong khi trước đây sạ đến 120-150kg/ha, nên giảm được chi phí, ít sâu bệnh. Từ hiệu quả mô hình này, đông đảo nông dân thực hiện đã thay đổi được thói quen canh tác lạc hậu trước đây.

Cùng quan điểm, nông dân Lê Tuấn Kiệt (ngụ xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện canh tác lúa theo hướng giảm giống, giảm phân như thể này. Điều tôi tâm đắc nhất là việc sử dụng phân mặn phèn để bón lót trước khi làm đất lần cuối để sạ, mang lại hiệu quả rất cao. Từ việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, lợi nhuận từ mô hình mang lại cao hơn ruộng đối chứng khoảng 5 triệu đồng/ha, đạt khoảng 20 triệu đồng/ha, chưa từng có ở các vụ hè thu trước đây”.

Giúp nông dân thành chuyên gia

img

Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành trong khu vực, ông Phù Khí Nguyên – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết: Trong mô hình này, tôi tâm đắc nhất là việc sử dụng phân Đầu Trâu mặn - phèn để bón lót, tôi hy vọng sau này nông dân sẽ chú ý hơn việc bón lót. Phèn mặn là vấn đề lớn trong canh tác, trước khi sạ thì phải xử lý đất, nếu để sau này xảy ra vấn đề thì mới xử lý thì đã quá muộn. Nếu chúng ta sạ 80kg/ha, thì việc đầu tiên là đất phải bằng phẳng, chủ động quản lý được nguồn nước và cỏ dại.

Theo GS-TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường Đại học Cần Thơ), thành viên Ban cố vấn chương trình, năng suất lúa trung bình từ 13 mô hình đạt khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình đạt từ 2.800-2.900 đồng/kg, còn tại các ruộng đối chứng là khoảng 2.400 đồng/kg lúa.

“Thông qua kết quả thực hiện mô hình cho thấy nông dân ĐBSCL rất nhiệt tình, đã thực hiện gần như trọn gói các giải pháp đặt ra. Chính người nông dân đã ứng phó tốt, còn tất cá các bên chỉ là hỗ trợ, chương trình đã giúp nông dân trở thành chuyên gia ngay trên đồng ruộng của mình. Qua chương trình này tôi hy vọng các bên sẽ tiếp tục sát cánh cùng nông dân, 65 nông dân tham gia mô hình sẽ làm nòng cốt giúp phổ biến, nhân rộng mô hình” - PGS-TS Mai Thành Phụng, thành viên Ban cố vấn chương trình nhận xét.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cho rằng, đa số các mô hình đều có lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng, đây là mục tiêu quan trọng nhất của chương trình. Việc kết hợp giữa tổ chức tập huấn và truyền thông để nông dân tin tưởng làm theo đã đạt hiệu quả cao. Điều đáng mừng là mô hình đã giúp nông dân bước đầu tự giác thực hiện các gói kỹ thuật tiên tiến mà trước đây họ chưa từng thực hiện, đồng thời mong muốn tiếp tục thực hiện ở các vụ sau.

Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: Tôi mong rằng trong tương lai, các địa phương sẽ tiếp tục nêu cao kỹ năng sản xuất lúa, thậm chí là những kỹ năng khác biệt so với thói quen cũ, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe và môi trường tốt hơn. Tiếp tục tuyên truyền cho nhiều hộ nông dân khác cùng làm theo, để có thể ứng phó với những điều kiện bất lợi trong canh tác, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem