Cao Bằng: Cây làm giàu của người dân

Thứ năm, ngày 31/03/2011 17:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau gần 10 năm bám rễ ở mảnh đất Đức Xuân (Thạch An, Cao Bằng), hồi không chỉ là "cây 327" phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mà đã trở thành "cây làm giàu" của người dân nơi đây.
Bình luận 0

Ông Nông Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Đức Xuân thông tin: "Cây hồi được trồng ở Đức Xuân từ năm 2002 - 2003 theo Dự án 327. Sau gần 10 năm, hồi đã phủ xanh các cánh rừng và "phủ đỏ" các bản bằng những ngôi nhà ngói được xây từ tiền bán quả hồi! Còn xe máy hầu như nhà nào cũng có 1- 2 chiếc".

img
Ông Nông Văn Âm thăm rừng hồi Dự án 327.

Hồi cho... nhà, xe máy

Đức Xuân có khoảng 200ha hồi đang cho thu hoạch và 50ha hồi 3 - 4 năm tuổi, tập trung chủ yếu ở bản Nà Pá, Pắc Lũng và Nà Nhần. Ông Ngọc bảo, trước khi cây hồi bám rễ trên những quả đồi trọc của xã, thì ngô, sắn là cây chủ đạo. Tuy nhiên, do độ dốc cao, nên ngô, sắn chỉ trồng được một vụ là đất bạc màu và người dân lại "khai hoang" ở khu rừng khác, vì vậy những quả đồi xanh dần hoá thành những quả… đồi trọc. "

Lúc đầu ai cũng nghĩ trồng hồi để trả lại màu xanh cho rừng, chứ không nghĩ cây hồi lại có thể giúp bản làng thay da đổi thịt như ngày hôm nay. Nếu không có cây hồi, không biết bao giờ tôi mới làm được cái nhà để ở, mua được cái xe máy mà đi" - anh Đinh Văn Tới ở bản Nà Pá thật thà nói.

img Nhà mình có hơn 1ha hồi. Trừ hết chi phí mỗi năm mình thu 150-200 triệu đồng. Nhờ hồi, mình đã xây được nhà... img

Nhà anh Tới có hơn 1ha hồi đã cho thu hoạch 3 năm nay, mỗi năm thu 2 vụ. Vụ chính bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9, vụ muộn thu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, mỗi vụ được 4 - 5 tấn quả hồi tươi. Với giá bán từ 15.000-18.000 đồng/kg, mỗi vụ anh thu 45 - 60 triệu đồng.

Trước đây, nói đến hộ nghèo bản Nà Pá, mọi người thường nhắc đến gia đình chị Hoàng Thị Tuyên, dân tộc Tày. Bây giờ, nhờ cây hồi mà gia đình chị không những đã thoát nghèo, mà còn có của ăn của để.

Bốc những quả hồi tươi rói trong bì ra, chị Tuyên hồ hởi khoe: "Nhà mình có hơn 1ha hồi thôi! Trừ hết chi phí mỗi năm mình thu 150-200 triệu đồng. Nhờ hồi mình đã xây được nhà và mua máy làm gạch vồ". Rất nhiều hộ ở Đức Xuân, như gia đình anh Vi Văn Duyệt (bản Nà Nhần), Đinh Văn Thịnh (bản Nà Pá)… cũng giàu lên nhờ hồi.

Sẽ mở rộng diện tích

Ông Nông Văn Âm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Xuân cho biết, hồi đã được trồng ở đây 30-40 năm, nhưng nó chỉ thực sự phát triển và trở thành cây làm giàu khi xã có Dự án 327.

img
Niềm vui của chị Hoàng Thị Tuyên khi hồi được mùa, được giá.

Theo ông Âm, thổ nhưỡng ở Đức Xuân rất phù hợp với hồi, cây cho quả to, trữ lượng tinh dầu cao nên thương lái rất ưa chuộng. Tuy nhiên, vì thiếu vốn nên diện tích hồi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

"Hiện, mỗi năm chúng tôi trồng mới khoảng 20 - 30ha hồi, nếu được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, chúng tôi sẽ trồng thêm khoảng 200 - 300ha hồi" - ông Ngọc cho hay.

Rừng hồi ở Đức Xuân chủ yếu là rừng Dự án 327, còn diện tích trồng mới rất hạn chế, chỉ những hộ khá giả có vốn mới đầu tư trồng. Theo anh Đinh Văn Thịnh (bản Nà Pá), không chỉ vốn, người trồng hồi rất lo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay hồi được giá, nhưng chủ yếu người dân bán cho thương lái, chứ chưa có cơ sở, nhà máy nào nhận thu mua, nên việc bị ép giá là khó tránh. Hơn nữa việc trộm hồi hoành hành đã gây thiệt hại kinh tế, nên nhiều người e dè đầu tư.

Anh Thịnh chia sẻ: "Nhà mình có hơn 2ha hồi, trừ chi phí năm ngoái lãi hơn 100 triệu đồng, nếu không bị hái trộm, chắc được nhiều tiền hơn. Cứ giá hồi như hiện nay và "diệt" hết "tặc hồi" chẳng mấy chốc người dân Đức Xuân sẽ giàu lên từ cây hồi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem