Cao Bằng: Khám phá thứ "đồ cổ" không cất giấu mà còn muốn khoe ra ở các bản, làng vùng cao

Thứ sáu, ngày 09/07/2021 05:45 AM (GMT+7)
"Nghiến răng như sấm, như giông/Một đoàn con nít tồng ngồng chạy ra" là câu đố dân gian được nhiều người dân nông thôn tỉnh Cao Bằng thường hỏi trẻ con về chiếc cối xay bằng đá.
Bình luận 0
Chiếc cối xay bằng đá là vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đặt trong hiên hoặc trước cửa nhà của nhiều gia đình ở nông thôn. Chiếc cối đá không chỉ là nét độc đáo, là điểm nhấn của các xóm vùng cao mà còn là vật dụng thể hiện tính sáng tạo từ xa xưa của người dân.

 

    Cao Bằng: Khám phá thứ "đồ cổ" không cất giấu mà còn muốn khoe ra ở các bản, làng vùng cao - Ảnh 1.

    Chiếc cối xay bằng đá trong đời sống của người dân vùng cao.

    Trong đời sống của đồng bào, chiếc cối giã gạo và cối đá xay là đồ gia truyền lâu đời. Mặc dù giờ đây có nhiều máy móc thay thế nhưng việc xay bột gạo, bột ngô thủ công vẫn được nhiều gia đình sử dụng. 

    Cối giã gạo được đẽo bằng đá, có hình trụ, lòng cối được đục sâu vào trong khối đá và mài nhẵn. 

    Chày giã được làm bằng gỗ rắn chắc, có thể sử dụng cối đá theo hai cách: Trong trường hợp ít nguyên liệu có thể giã bằng tay, trường hợp phải giã nhiều nguyên liệu, người dân sáng chế ra cối giã gạo bằng chân hoặc dùng sức nước.

    Nhưng độc đáo và sáng tạo hơn cả là chiếc cối xay bằng đá hai tầng còn được gọi là "mù hin". Chiếc cối xay bằng đá rất thuận tiện cho người sử dụng ở tư thế đứng, dùng lực của 2 cánh tay và toàn thân để đẩy và xoay. 

    Thông thường, một chiếc cối xay bằng đá phải do 2 người làm trong 7 ngày (thủ công) và 3 ngày (có máy móc can thiệp) thì mới hoàn thành. Một chiếc cối xay được chia làm 3 phần: "pa thình", "pa tẩư", "shim mù".

    "Pa thình" là phiến đá hình tròn có đường kính khoảng 30 - 70 cm (thông thường là 50 cm). "Pa thình" có 2 mặt hoàn toàn khác biệt được chia thành mặt trên và mặt dưới. 

    Mặt trên của "pa thình" được đánh dấu và đục một lỗ nhỏ hình tròn thông 2 mặt gọi là "sloong sào", đây cũng là nơi hạt lương thực sẽ đi xuống và được nghiền nhỏ. "sloong sào" nằm cách trung tâm bề mặt khoảng 2 - 3 cm, có đường kính từ 2 - 5 cm.

    Toàn bộ công đoạn tạo ra "sloong sào" phải được làm thủ công bằng tay, mài và giũa cho nhẵn, mịn. Ngoài ra, mặt trên của "pa thình" còn có một đường tròn bao quanh cao hơn bề mặt bên trong từ 1 - 2 cm, có công dụng giữ hạt lương thực không rơi ra bên ngoài trong quá trình quay.

    Mặt dưới của "pa thình" là một mặt phẳng được đánh dấu và đục một lỗ nhỏ ngay bề mặt trung tâm, có kích thước 3 - 5 cm, độ sâu từ 4 - 8 cm, vừa với kích thước của lỗ nhỏ trên mặt "pa tẩư". Là nơi đặt "shim mù" để kết hợp với "pa tẩư".

    Phía bên cạnh của "pa thình" là hai ô vuông nhỏ có kích thước khoảng 4 x 6 cm, đặt vừa thanh gỗ dài tạo thành chiếc đòn càn. Tại đây, người sử dụng có thể dùng sức đẩy để tạo nên lực ma sát giúp hai mặt của khối đá nghiền nhỏ hạt lương thực, ô vuông nhỏ này còn có công dụng dùng để nhấc "pa thình" ra khỏi "pa tẩư" thuận tiện cho việc lau, rửa.

    "Pa tẩư" là phiến đá có diện tích lớn hơn và được đặt nằm dưới "pa thình". "Pa tẩư" được cấu tạo từ 2 bộ phận, bao gồm một khối tròn nổi được đánh dấu và đục một lỗ nhỏ ngay giữa trung tâm có diện tích mặt phẳng khớp với lỗ nhỏ trên bề mặt "pa thình" và một rãnh đá bao quanh được gọi là "khay khẻo mu", đường kính khoảng 5 - 10 cm có công dụng để đỡ bột hoặc các hạt đã xay ra chảy xuống.

    Phần còn lại là phần quan trọng nhất của chiếc cối đá chính là "shim mù", hay còn được gọi là tim cối, ngỗng cối. 

    "Shim mù" được tạo thành từ một mẩu gỗ nhỏ rắn chắc, không bị nứt, mọt, mối, đây là bộ phận quan trọng kết nối 2 mặt của "pa thình" và "pa tẩư" với nhau thông qua lỗ nhỏ có kích thước tương đồng ngay giữa trung tâm phiến đá đã đục sẵn. "Shim mù" phải làm thủ công, không dài quá cũng không ngắn quá (khoảng 8 - 14 cm).

    Nếu "shim mù" không được làm đúng kích thước, đúng chuẩn sẽ không ghép được 2 mặt của chiếc cối, không làm cho cối xoay chuyển được. "Shim mù" là bộ phận cực kỳ quan trọng, yêu cầu độ khó và phức tạp nhất trong quy trình làm cối xay bằng đá, đòi hỏi người thợ làm cối phải lành nghề.   

    Cao Bằng: Khám phá thứ "đồ cổ" không cất giấu mà còn muốn khoe ra ở các bản, làng vùng cao - Ảnh 4.

    Hai mặt bộ phận "Pa thình" và "Pa tẩư" của chiếc cối xay bằng đá

    Ngoài ra, trên bề mặt tiếp giáp giữa "pa thình" và "pa tẩư" là những rãnh nhỏ có độ sâu từ 0,5 - 1 cm, mỗi rãnh nằm cách nhau 1,5 cm được đẽo hình cánh quạt, theo chiều kim đồng hồ. 

    Những rãnh bề mặt không được đẽo quá sâu vì sẽ làm hạt lương thực bị mắc kẹt lại, không nghiền nhỏ được. Cũng không được đẽo rãnh quá nông vì sẽ không tạo ra ma sát nghiền nhỏ hạt lương thực.

    Mặt ngoài của chiếc cối cũng được khắc những rãnh nhỏ tạo thành họa tiết tự nhiên thể hiện màu sắc của đá. 

    Những đường vân này giúp người vận chuyển cối không bị trơn trượt, thuận tiện cho việc vệ sinh. Thông thường, để làm cối xay bằng đá, người ta chọn những tảng đá ở chân đồi, có màu đỏ gạch, màu xanh dương đậm... độ bền cao, không vỡ vụn hoặc nứt khi chế tác.

    Từ xa xưa, chiếc cối xay bằng đá gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào dân tộc nên rất được coi trọng. Khi sử dụng xong phải rửa sạch sẽ, người lớn hay trẻ nhỏ không được ngồi vào cối xay. 

    Ngày nay, những chiếc cối xay bằng đá đa phần được thay thế bằng máy móc hiện đại, tuy nhiên, chiếc cối xay bằng đá vẫn là vật dụng sinh hoạt không thể thiếu của mỗi gia đình ở nông thôn. Không chỉ là vật kỷ niệm, chiếc cối xay còn được sử dụng làm tiểu cảnh trang trí trong các khu vườn, trước hiên nhà hay bàn uống nước của nhiều gia đình ở Thành phố...

    Nếu có dịp ghé thăm các xóm vùng cao vào dịp lễ, Tết, chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh người dân quây quần cùng nhau xay bột làm bánh. Chiếc cối xay bằng đá trở thành biểu tượng đoàn kết, gắn bó và nét đẹp văn hóa của sắc màu dân tộc vùng cao.

    Thúy Tiên (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem