Cao Bằng: Vào rừng nuôi lợn "công nghệ bắt ăn kham khổ", ông nông dân này bán lợn giống đắt như tôm tươi
Cao Bằng: Vào rừng nuôi lợn "công nghệ bắt ăn kham khổ", ông nông dân này bán lợn giống đắt như tôm tươi
Chiến Hoàng
Thứ ba, ngày 20/10/2020 13:06 PM (GMT+7)
Mỗi tháng xuất bán hơn 20 con lợn con, chưa kể lợn thịt, hộ nông dân Nhâm Văn Hành (thôn Chu Lăng - Bó Chàm, xã Kim Đồng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) dễ dàng bỏ túi hơn 500 triệu đồng/năm từ việc nuôi lợn ở trong rừng. Ông nuôi lợn kiểu "công nghệ bắt ăn kham khổ"-đó là nấu cám và cho ăn cây chuối...
CLIP: Trang trại nuôi lợn, bắt lợn ăn kham khổ ở trong rừng của gia đình ông tỷ phú nông dân Nhâm Văn Hành tại xã Kim Đồng, huyện Thạch An (Cao Bằng).
Ngôi nhà sàn 4 gian, 2 chái của gia đình anh Nhâm Văn Hành nằm khuất lấp sau cánh rừng Chu Lăng - Bó Chàm, bốn bề là bạt ngàn cây keo, mỡ và cây quế.
Nếu không dõi mắt, đưa chân thì thật ít ai tin ở đó lại có người sinh sống, và càng không ngờ tới trang trại nuôi lợn cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm lại ở chính nơi này.
Chúng tôi đến vừa lúc vợ chồng anh Hành đặt lên bếp chõ rượu, mùi men lá quyện lẫn hương quế, hương hồi thơm nức tỏa lan.
Rót chén rượu nóng hổi mời khách đường xa, vợ chồng anh bảo, nấu ít rượu lấy bỗng chăn lợn thôi, men ủ được lâu, hương tốt nên bán cũng được nữa.
Nhâm Văn Hành là người Nùng chính hiệu, sinh ra ở núi, lớn lên trong rừng nên việc lập nghiệp, mở trại nuôi lợn giữa chốn rừng sâu với anh không có gì quá đặc biệt.
Chúng tôi vào trang trại nuôi lợn của gia đình anh Hành, nhìn đàn lợn phổng phao, béo tốt hếch mõm đòi ăn của người tỷ phú nông dân này khiến chúng tôi thực sự no con mắt.
Anh Hành bảo, ở đây chuối rừng nhiều, đất rộng, trồng thêm được khoai lang và những thức chăn khác nên vừa tiết kiệm được chi phí mà lợn thương phẩm cũng được thương lái trả giá cao.
"Tôi mới bắt đầu nuôi từ năm 2015, cũng phải vay mượn ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân… Được cái nuôi lợn ở trong rừng, khá cách biệt với "thế giới bên ngoài" nên trong khi nhiều hộ chăn nuôi khác, đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi thì lợn nhà tôi vẫn khỏe mạnh như thường...", anh Hành tiết lộ.
Hiện nay, tổng đàn lợn của gia đình anh Hành cũng hơn 50 con, trong đó chủ yếu là lợn nái. Lợn thịt nhà anh chỉ nuôi hơn 10 con thôi.
Trung bình một tháng, nhà anh Hành xuất bán được khoảng 20 - 30 con lợn giống. Ngoài ra mỗi tháng cũng có 4 - 5 con lợn nái đẻ nên khi nào trong chuồng cũng sẵn lợn phục vụ nhu cầu mua lợn giống của người mua.
Theo anh Hành, lợn nhà anh đang bán rất tốt, có đàn nào người ta đến đặt trước lấy chỗ đàn đó. Hiện, anh đang bán lợn giống với giá trung bình 2 - 3 triệu đồng/con, tùy mục đích mua nuôi thịt hoặc nuôi làm nái.
"Tính từ tháng Giêng đến thời điểm hiện nay, gia đình đã xuất bán được gần 200 con lợn giống, chưa kể lợn thịt thương phẩm. Về cơ bản, hiện nay nhiều hộ gia đình bắt đầu tập trung tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi nên việc bán lợn giống khá thuận lợi, có thể nói, vừa qua bán lợn giống đắt như tôm tươi...", anh Hành chia sẻ.
Ngoài nuôi lợn, gia đình còn trồng thêm rừng quế, cây thạch đen, nuôi gà và nấu rượu. Cũng là lấy ngắn nuôi dài thôi. Bỗng rượu thì dùng chăn lợn, gà phục vụ nhu cầu thức ăn cho gia đình là chính. Tôi cũng đang tính mở rộng quy mô để tăng đàn đối với lợn nái và lợn thương phẩm...
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nông Quốc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Đồng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Trên địa bàn xã, hiện nhiều hộ nông dân đang tập trung tái đàn lợn đối với lợn thịt và lợn nái. Bà con thực hiện khá tốt, chúng tôi cũng đang hướng đến nhân rộng mô hình chăn nuôi này...".
"Trong thời gian qua, nhiều hộ dân trong và ngoài xã đã đến thăm và học tập mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thương phẩm của gia đình anh Nhâm Văn Hành. Hiện nay, trong thôn cũng đang có 6 - 7 nhà nuôi lợn nái, tuy nhiên số lợn nái tại các hộ gia đình này còn khá khiêm tốn"- Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Đồng cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.