Cao Sơn “rực cháy” khát vọng làm giàu

Ghi chép của Hồng Đức Chủ nhật, ngày 03/01/2016 06:00 AM (GMT+7)
Cao Sơn là tên gọi chung cho 3 bản Son, Bá, Mười thuộc vùng cao, xa, hẻo lánh và khó khăn nhất ở xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Tuy nhiên, nơi đây đang “rực cháy” một khát vọng làm giàu.
Bình luận 0

“Cao Sơn nay khác xưa rồi”

Đó là câu đầu tiên của già làng Hà Hoàng Nhi, khi cụ mở đầu câu chuyện về vùng Cao Sơn với chúng tôi vào cái đêm rét buốt tại nhà anh Ngân Văn Đức - Trưởng bản Son. Quả thật, giờ đây Cao Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày!

img

Con đường nối 3 bản Son, Bá, Mười đã được rải nhựa phẳng lỳ.  Ảnh:  Hồng Đức

Cách đây vài năm, tôi đã mấy lần lên vùng Cao Sơn. Hồi ấy, chúng tôi phải đi từ huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lên Quốc lộ 6, rồi qua huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, sau đó lên xã Nam Sơn, trèo núi khoảng 3km thì mới tới Cao Sơn. Hoặc muốn đi từ trung tâm xã Lũng Cao lên Cao Sơn, thì chỉ có một lối đi duy nhất là cắt rừng theo lối mòn mà leo chừng chục cây số, chí ít cũng mất non nửa ngày trời. Còn bây giờ, lên Cao Sơn đã có đường nhựa, nên chúng tôi chỉ mất chừng 30 phút chạy xe máy bon bon từ trung tâm xã Lũng Cao là tới.

Lần này tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khá kiên cố, rộng rãi khang trang, trưởng bản Ngân Văn Đức bảo: “Năm nay, nhà báo lên với bà con Cao Sơn không phải vất vả như trước nữa rồi nhỉ”. Nghe vậy, già Nhi vui vẻ tiếp lời: “Ta vui lắm, phấn khởi lắm à! Từ khi có con đường bê tông nối trung tâm xã với Cao Sơn, thì bà con trên đây không còn bị cách ly với bên ngoài nữa rồi. Vui hơn nữa là năm nay Cao Sơn lại được mùa ngô. Mà cái giống ngô lai ở  đây tốt lắm, nó hợp với chất đất, khí hậu nên năng suất cao lắm. Mùa ngô năm nay, gia đình ta cũng thu được gần chục tấn”.

Già Nhi cho biết, tuy giá ngô đầu vụ năm nay kém hơn năm ngoái, nhưng đó là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình nhà già Nhi. Cũng từ ngày có đường nhựa, tư thương đánh xe lên tận nơi thu mua ngô với giá  4.500 đồng/kg ngô hạt, còn cân cả bắp khô thì 2.500 đồng/kg. Tính ra, vụ ngô năm nay gia đình già Nhi thu về khoảng chục triệu đồng.

Theo thống kê của anh Đức, hiện ở bản Son không còn hộ dân nào phải lo đối phó thiếu đói nữa, mà chỉ lo tích trữ lương thực và mua sắm đồ dùng thôi. Vụ ngô vừa qua, nhiều gia đình thu hoạch được cả chục tấn.

“Ở Cao Sơn bây giờ đã đổi thay đáng kể, hầu hết các hộ dân đã tích lũy được vốn liếng để mua sắm xe máy, thay cho con ngựa trước đây. Hệ thống đường giao thông giờ đã được rải nhựa phẳng lỳ, nối 3 bản với nhau. Con đường từ trung tâm xã Lũng Cao lên Son, Bá, Mười đã được thông suốt. Ước mơ về một con đường nối từ trung tâm xã lên 3 bản này từ ngàn đời đã trở thành hiện thực rồi”- anh Đức hào hứng cho  biết.

Khát vọng làm giàu

"Khu Cao Sơn được quy hoạch là vùng trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Chương trình này đang được tỉnh xem xét, phê duyệt sẽ biến tiềm năng nơi đây thành điểm tham quan du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, vì vùng đất này nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Pù Luông của tỉnh Thanh Hóa".
 Ông Lương Ngọc Đanh - Chủ tịch UBND xã Lũng Cao

Cũng do nơi  đây có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ngô lai, bí đỏ, su su, mướp đắng, nên bà con dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao. “Ngoài cây ngô được coi là cây trồng chủ lực ở bản Son với tổng diện tích 45ha, thì từ năm 2013 trong bản có 42 hộ tham gia trồng mướp đắng, hiệu quả đạt 15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Bà con trồng mướp đắng và bí đỏ để cung cấp cho Công ty CP Phát triển đầu tư Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh. Ai cũng phấn khởi vì có loại cây trồng mới và không lo ế hàng vì được công ty cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. “Năm nay, gia đình tôi cũng trồng được 700m2 mướp đắng. Sau khi thu hoạch 1 vụ được 36kg hạt khô, bán cho công ty với giá 520.000 đồng/kg, được hơn 18 triệu đồng”- anh Đức cho biết.

Cùng với việc trồng cây lấy hạt, bà con vùng Cao Sơn đang tham gia trồng cây dược liệu để cung cấp cho Công ty cổ phần Dược API (Hà Nội). Công ty này đang ươm trồng thử nghiệm một số cây dược liệu như atiso, tam thất, đương quy, bạch chỉ... Vì lẽ, sau khi khảo sát thực địa về khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng Cao Sơn, thấy vùng đất này có khí hậu tương đồng như ở một số tỉnh phía Bắc, nên họ đã đưa vào trồng thử nghiệm một số loại các cây dược liệu. Nếu mô hình thành công, sẽ nhân rộng ra 20ha của toàn bộ khu Cao Sơn.

Ông Lương Ngọc Đanh - Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, hiện nay khu vực Cao Sơn có 172 hộ, gần 800 khẩu. Cuộc sống của bà trong ở đây đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, 3 bản Son, Bá, Mười không còn hộ thiếu đói, mà chỉ còn vài hộ chục nghèo và cận nghèo. Hệ thống trường học ở Cao Sơn đã được Nhà nước đầu tư và xây dựng thành Trường Phổ thông Cao Sơn (cấp 1- 2).

Trẻ em trên Cao Sơn đều đến trường đúng độ tuổi và được học trong môi trường khá tốt. “Tuy nhiên, bà con ở đây vẫn đang mong mỏi được Nhà nước đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia. Nếu có điện sinh hoạt, chắc chắn cuộc sống của người dân ở đây sẽ được thay đổi nhiều hơn nữa”- ông Đanh khẳng định vậy.

Lúc chia tay với chúng tôi, trưởng bản Đức có nói một câu rằng: “Hồi cuối năm 2014, bác Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lên thăm Cao Sơn và có nói,  năm nay bà con Cao Sơn sẽ có điện lưới để dùng. Nhưng, nay bác ấy ra Trung ương làm việc rồi, không biết bao giờ Cao Sơn mới có điện, bà con mong lắm...”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem