Cấp bách phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long

Thứ ba, ngày 30/06/2015 06:10 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân trồng thanh long còn tâm lý chủ quan, chưa nhận rõ tác hại của việc tái nhiễm bệnh đốm nâu nên chưa tích cực vệ sinh vườn, chặt tỉa cành già, cành bị bệnh để ủ tiêu diệt bào tử nấm.
Bình luận 0

Qua kiểm tra thực tế mới đây của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và nắm tình hình ở các địa phương có trồng thanh long trong tỉnh, cho thấy công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long ở nhiều địa phương nhất là cấp xã làm chưa tốt, chưa tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện.

img

 

Nhiều hộ dân trồng thanh long còn tâm lý chủ quan, chưa nhận rõ tác hại của việc tái nhiễm bệnh đốm nâu nên chưa tích cực vệ sinh vườn, chặt tỉa cành già, cành bị bệnh để ủ tiêu diệt bào tử nấm. Nguy hiểm hơn là khi vào mùa mưa là vụ chính của thanh long, giá cả thấp, người dân không quan tâm đầu tư chăm sóc nên bệnh đốm nâu phát triển với tốc độ rất nhanh.

Tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, tỷ lệ thanh long tái nhiễm bệnh đốm nâu khi bắt đầu có mưa tăng cao. Đến ngày 18.6.2015 diện tích nhiễm đốm nâu trên toàn tỉnh trên 3.129 ha (trong đó nhiễm nhẹ 2.574 ha, nhiễm trung bình 515 ha, nhiễm nặng 40 ha), tăng 2.400 ha so 10 ngày trước đó (thời điểm chưa có mưa), so với cùng kỳ tăng hơn 2.800 ha. Trong đó Hàm Thuận Bắc 350 ha, Hàm Thuận Nam 2.740 ha, Phan Thiết 5 ha, Bắc Bình 24 ha, La Gi 3 ha. Số diện tích bị sâu bệnh chủ yếu tập trung trên diện tích vừa qua không làm vệ sinh vườn, ủ cành để tiêu diệt bào tử nấm hoặc có làm nhưng qua loa, không kỹ.

Tình hình trên cho thấy, nếu không chủ động, khẩn trương ngăn chặn thì dịch đốm nâu sẽ bùng phát nhanh hơn khi có mưa nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ vụ mùa mà cả vụ chong đèn vào cuối năm 2015.

Biện pháp cấp bách hiện nay, là các địa phương có thanh long nhất là huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam khẩn trương vào cuộc, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu tại địa phương mình; phân công các phòng ban của huyện phối hợp với các đoàn thể bám sát các xã, nhất là nơi bị nhiễm bệnh nhiều để chỉ đạo, kiểm tra.

Đồng thời chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền vận động theo tổ thanh long VietGAP, theo nhóm hộ để tổ chức khoanh vùng, đồng loạt ra quân làm vệ sinh vườn, thu gom cành trái bị nhiễm bệnh để ủ tiêu hủy bào tử nấm và áp dụng các biện pháp bón phân, tưới nước, né chồi, lấy chồi và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ phòng trừ bệnh đúng cách theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan  bảo vệ thực vật.

Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cần chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long, Chi cục Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp sở phối hợp với các ban ngành huyện trực tiếp bám sát các xã của Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam để tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các quy trình, biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh theo đúng quy định.

Mặt khác Sở Nông nghiệp và PTNT cần thường xuyên liên hệ với các cơ quan, tổ chức khoa học của Bộ Nông nghiệp PTNT để kịp thời cập nhật, phổ biến, hướng dẫn bổ sung các biện pháp kỹ thuật, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ cho công tác phòng trừ dịch bệnh để người dân thực hiện. Đồng thời cần tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát xử lý kịp thời các trường hợp quảng cáo, bán thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh đốm nâu không đúng quy định, không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho nông dân và khó khăn trong chỉ đạo điều hành của địa phương.

Được biết, không chỉ Bình Thuận mà nhiều địa phương trồng thanh long trên cả nước cũng bị dịch đốm nâu hoành hành, với trên 18 nghìn ha bị nhiễm bệnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thực hiện vệ sinh đồng ruộng, cập nhật kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật mới để bổ sung, sửa đổi các quy trình đã ban hành nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng thanh long. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy trình tỉa cành và sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ cành thanh long theo hướng giảm công lao động và dễ thực hiện cho nông dân.
(Theo Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem