Thanh long đột nhiên thối rễ, khô cành

Thứ hai, ngày 29/06/2015 13:00 PM (GMT+7)
1.200 trụ thanh long của ông Trương Công Hiệu, thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đột nhiên héo, khô cành rồi thối rễ cho dù người chủ khu vườn ra sức cứu chữa.
Bình luận 0
Chưa rõ nguyên nhân

Ông Trương Công Hiệu cho biết, sau Tết Nguyên đán đến nay, vườn thanh long của ông xuất hiện hiện tượng khô cành, chong điện vẫn cho ra trái nhưng không lớn, ngưng chong điện, tiếp tục chăm sóc, bón phân, cây nảy chồi non nhưng rồi cũng héo, khô, thối rễ.
img
Ông Hiệu chăm sóc thanh long bị khô cành.

Nhiều cơ quan nông nghiệp biết chuyện đã đến tận vườn để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả. Dưới sự hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ông kiên trì xử lý thuốc cho ra rễ nhằm cứu lại những trụ còn màu xanh, còn những trụ cháy hết cành đành nhổ bỏ trồng lại.

Nhà khoa học vào cuộc

Theo Chi cục BVTV tỉnh, trong tháng 6/2015, toàn tỉnh có hơn 50 ha thanh long bùng phát hiện tượng khô cành, thối rễ. Tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Thuận Bắc 48 ha, thị xã La Gi 2 ha. Trong đó diện tích bị nhiễm nặng 1,5 ha ở thôn Phú Nhang (Hàm Hiệp) và xã Hàm Liêm. Chi cục BVTV tỉnh xuống tận vườn thanh long mắc bệnh để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên kết quả nhận định ban đầu cho thấy diện tích thanh long bị thối rễ, cành teo tóp là do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo, cộng với việc bón vôi vào gốc thanh long quá nhiều hoặc bón nhiều loại phân có chứa hàm lượng can-xi cao làm gốc thanh long nóng, tuột rễ, gây chết khô, trường hợp này hiện không có biện pháp khắc phục.
img
Thối rễ nghi là do nấm tấn công.

Riêng trường hợp rễ thanh long bị xơ từ chóp vào, khi đào gốc lên có những trụ rễ thanh long mùi hôi thối, cành thanh long có hiện tượng teo tóp, chẩn đoán do thanh long bị các loại nấm dưới đất tấn công như: Phytophthora, Fusarium... Hiện Chi cục BVTV đã phối hợp Viện BVTV lấy mẫu để tìm nguyên nhân.

Trước mắt, Chi cục BVTV tỉnh hướng dẫn bà con tạm thời sử dụng một trong các loại thuốc Eddy 72 WP, Aliette 80WP, Agri-fos 400... để tưới vào gốc trừ nấm theo liều khuyến cáo của sản phẩm trên bao bì. Trước khi phun thuốc phải  cào hết rơm rạ cho lộ bộ rễ rồi mới phun ướt đều quanh trụ. 3 - 5 ngày sau phun có thể sử dụng các loại phân bón gốc giàu lân theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đối với hệ thống rễ có thể sử dụng các dạng phân bón  kích thích ra rễ... Tuyệt đối không được bón phân khi rễ non vừa mới ra và bón số lượng phân nhiều sẽ làm cháy bộ rễ...
(Theo Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem