Thanh long ruột đỏ.
Trong một lần về Đăk Ruồng công tác, chúng tôi nghe bà con tâm sự về mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lương Thị Hà đang cho hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi quyết định ghé vào thăm vườn thanh long của bà ở thôn 10 (xã Đăk ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) và không khỏi ngạc nhiên bởi sự mạnh dạn đầu tư vào vườn thanh long với quy mô lớn và ý chí dám nghĩ, dám làm của gia đình bà.
“Đơm hoa kết trái” từ sỏi đá
Bà Hà kể lại: Khi từ Huế đi vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, gia đình bà thấy “có duyên” với vùng đất Đăk Ruồng và đã quyết định khai hoang đất đai để làm ăn. Nhưng với địa hình dốc, nguồn nước thì không có, đất đai toàn sỏi, đá nên đầu tư vào trồng cây gì cũng không khấm khá lên được bao nhiêu. Trong một lần đi vào thăm người thân ở tỉnh Bình Thuận, bà Hà thấy trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiểu quả kinh tế cao, mà có thể trồng được trên đất sỏi đá cằn cỗi. Sau khi về bàn bạc với chồng mình, bà đã quyết định trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 2 ha đất cằn sỏi đá của gia đình, để mong có thể phát triển từ cây này.
Bà Hà tâm sự: Để trồng thanh long ruột đỏ, chúng tôi đã nhờ người thân ở Bình Thuận ra hướng dẫn cách trồng, cách bỏ phân, chăm sóc và còn đặt cây giống ở trong kia về trồng. Năm 2011, chúng tôi đã đặt mua 2.500 cây thanh long ruột đỏ để trồng 625 trụ, vì đất sỏi đá nên phải trồng 4 cây vào 1 trụ chứ không trồng 2 cây như ở Bình Thuận. Thấy cây thanh long phát triển tốt, gia đình tôi lại càng có ý thức tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này hơn.
Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình Bà Hà sau mùa thu hoạch.
Đất sỏi đá không phụ lòng người, vườn thanh long bắt đầu ra hoa, kết trái sau hơn 1 năm chăm sóc. Cứ thế, mỗi năm vườn cây cho thu hoạch 6 đợt và được hơn 3 tấn quả. Với giá bán 30 ngàn đồng/kg, có lúc lên tới 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về 75-100 triệu đồng. Về đầu ra, hiện tại gia đình bà đang cung cấp cho thị trường Kon Tum là chính, nhưng cung chưa đủ cầu, vì đây là mặt hàng được nhiều người tin dùng. Cây thanh long ở Đăk Ruồng thường cho thu hoạch chính từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, những tháng còn lại do thời tiết lạnh nên dù có chiếu đèn điện cũng không ra hoa trái vụ được.
“Trồng thanh long ruột đỏ rất dễ, nhưng tốn nhiều công chăm sóc, đòi hỏi phải có hiểu biết về kỹ thuật, vấn đề quan trọng là làm trụ cho thanh long, trụ phải bằng bê tông xi măng, dài 2,5m, chôn chân trụ xuống khoảng 50cm. Mỗi trụ trồng 4 cây thanh long xung quanh, khoảng cách mỗi trụ chừng 3m, sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 3 ngày 1 lần và chỉ bón phân hữu cơ. Đó là loại cây cần nhiều nước, tuy nhiên phải có rãnh thoát nước tốt, để lúc mùa mưa thoát nước cho cây. Sau 1 năm, cây bắt đầu ra hoa, đậu trái, đến khi thu hoạch phải mất gần 40 ngày” –bà Lương Thị Hà chia sẻ.
Không lo dội chợ, ế hàng
Với diện tích 2ha trồng thanh long ruột đỏ, gia đình bà đã quyết định bỏ ra hơn 500 triệu đồng để chi phí ban đầu. Bình quân 1 cây giống, bà mua từ Bình Thuận về hết 37 ngàn đồng, làm mỗi trụ bê tông cho thanh long leo lên cũng hết hơn 100 ngàn đồng, nhưng tính về lâu dài thì ít tốn chi phí, vì 15 năm sau mới phải trồng lại.
Quan điểm
Ông Võ Công Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ruồng
Chúng tôi đang nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của bà Hà cho người dân, nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương theo hướng đi phù hợp.
Trái thanh long ruột đỏ có vỏ dày và cứng, có thành phần dinh dưỡng cao hơn thanh long ruột trắng, nhất là hàm lượng vitamin nên bán được giá cao. Đây là cây có tiềm năng phát triển kinh tế bền vững, cho dù ít đất hay nhiều đất cũng trồng được, không sợ dội hàng, ế chợ như thanh long ruột trắng. Ở Đăk Ruồng hiện nay, Hội Nông dân xã đang lên kế hoạch tập huấn về trồng thanh long ruột đỏ, mở rộng diện tích trồng thanh long, từng bước tạo ra sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi cho bà con.
Hiện tại, gia đình bà Hà còn trồng thử một số giống cây mới như ổi không hạt (100 cây), mít Thái không hạt (80 cây), xoài Thái (100 cây), một số cây mắc ca và nhiều cây khác nữa để thời điểm nào trong năm cũng có thu hoạch. Riêng với thanh long ruột đỏ, đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn nhà bà mua, nhiều thương lái còn ký gửi tiền trước.
Đánh giá về mô hình vườn cây của bà Hà, ông Võ Công Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho biết: Hộ gia đình bà Lương Thị Hà là hội viên nông dân đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ, cho hiệu quả kinh tế cao ở Đăk Ruồng và ngay cả huyện Kon Rẫy. Tuy đất cằn sỏi đá, nhưng cây thanh long ruột đỏ vẫn phát triển tốt cho trái nhiều, hơn thế nữa cây trồng chưa phổ biến, thị trường tiêu thụ rộng, nên việc chọn cây này để trồng là quyết định đúng. Hiện tại, chúng tôi đang nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của bà Hà cho người dân, nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương theo hướng đi phù hợp.
Tuấn Anh (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.