"Cặp bài trùng” Thanh - Thuận vẫn chưa thôi ám ảnh PVC

Trần Giang Thứ bảy, ngày 17/09/2016 16:26 PM (GMT+7)
Mặc dù đã rời khỏi PVC 2 năm, nhưng Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận vẫn để lại những hệ lụy. Tính đến tháng 6.2016, số lỗ luỹ kế của PVC còn trên 2.900 tỷ đồng.
Bình luận 0

Kể từ khi công bố công khai số liệu tài chính, từ 2007 đến 2010, PVC vẫn ăn nên làm ra, kinh doanh có lãi, nhưng từ 2011 thì có dấu hiệu sa sút, vấn đề sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này dần phát lộ sau thời gian "ủ bệnh".

Vốn kinh doanh đem đi đầu tư tài chính

Cụ thể, năm 2011, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu PVC điều chỉnh hồi tố lỗ 19,12 tỷ đồng, sau đó tổng công ty được Kiểm toán Nhà nước đồng ý bổ sung bút toán hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính vào PVC-SG và lợi nhuận hợp nhất năm 2011 của PVC được “chốt” ở mức 590 triệu đồng. Đến 2012, PVC lỗ hợp nhất trước thuế 1.824 tỷ đồng, lỗ hợp nhất sau thuế 1.847,3 tỷ đồng (trong đó, công ty mẹ lỗ 1.369 tỷ đồng).

Nửa đầu năm 2013, khi ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận rục rịch chuyển công tác thì PVC báo lỗ 625 tỷ đồng và sau khi Công ty kiểm toán Deloitte bắt tay vào soát xét thì số lỗ tăng vọt lên 1.578 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối 2013, PVC lỗ 3.300 tỷ đồng.

img"cặp bài trùng” Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận khiến PVC điêu đứng khi thua lỗ hơn 3.300 tỷ đồng, và đến nay vẫn còn hơn 2.900 tỷ đồng (Nguồn: Internet)

Báo cáo của Ban kiểm soát tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 1.929 tỷ đồng, lũy kế cuối năm 2013, PVC lỗ hơn 3.262 tỷ đồng.

Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khó khăn, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng.

Theo ban kiểm soát của PVC, nguyên nhân lỗ là do khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên tới 1.324,42 tỷ đồng, riêng năm 2013 là 749,32 tỷ đồng; Trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính là 1.389,41 tỷ đồng, riêng năm 2013 là 689,64 tỷ đồng; Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 54,40 tỷ đồng; Chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp lớn…

“Đồng thời các công trình do PVC triển khai có hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến công trình phát sinh nhiều”, Ban Kiểm soát đánh giá.

Ban Kiểm soát còn lo ngại kết quả kinh doanh trên chưa bao gồm các khoản tiềm ẩn lỗ do chi phí dở dang nằm trong phần phát sinh các công trình chưa được chủ đầu tư  phê duyệt; Các khoản lỗ tại các đơn vị thành viên chưa thể hiện hết; Các khoản phải thu của các đơn vị đang rất khó khăn về tình hình tài chính như PVC-SG, PVC-ME, PVC-HN, PVC-MT,… Các khoản PVC đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị thành viên đã quá hạn…

Ban Kiểm soát của PVC còn nhận định vốn điều lệ của PVC là 4.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu được dùng để đầu tư chính (3.428,68 tỷ đồng), mua sắm tài sản cố định và đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên hiệu quả thấp, thậm chí là thua lỗ.

“Trong trường hợp không có được sự hỗ trợ về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đôn đốc thu hồi các khoản công nợ tồn đọng (phải thu khách hàng 462,95 tỷ đồng; Phải thu khác 1.219,41 tỷ đồng), hoạt động sản xuất kinh doanh của PV sẽ gặp nhiều khó khăn”, Ban kiểm soát nhận định.

Tiền thi công dự án đem đi trả nợ, đầu tư tràn lan

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đơn vị thành viên, PVC tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.

Tại rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách nhà nước.

imgNguyên tổng giám đốc PVC, Vũ Đức Thuận, là tay hòm chìa khoá của Trịnh Xuân Thanh khi còn điều hành ở PVC vừa bị bắt giam (Nguồn: Internet)

Đơn cử như năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng cùng 6,6 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền thì PVC lại sử dụng 1.080 tỷ đồng cho những mục đích khác như trả nợ ngân hàng, thanh toán lãi vay, hỗ trợ vốn cho các công trình khác, góp vốn cho công ty con... Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, tổng côn ty phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ hàng năm.

Trong số 1.080 tỷ đồng nói trên, PVC trích ra 50 tỷ đồng đầu tư và PVC-Land và đưa con số vốn đầu tư tại PVC-Land thời điểm 31.12.2013 lên 203,8 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả hoạt động sản xuất của PVC-Land suốt từ 2011 đến 2015 lại thua lỗ mất hết vốn điều lệ, buộc PVC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính 202,8 tỷ đồng thời điểm cuối 2013, đến cuối 2015 là 158,8 tỷ đồng.

PVC cũng dành ra 30 tỷ đồng trong 1.080 tỷ đồng để rót vào PVC-Mekong đưa tổng vốn đầu tư tại công ty này lên 153,5 tỷ đồng. Từ 2012 đến 2015, PVC-Mekong cũng thua lỗ mất hết vốn điều lệ, PVC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính 147,3 tỷ đồng (31.12.2013) và 153,4 tỷ đồng (31.12.2015).

Tính đến thời điểm 31.12.2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Thế nhưng, kết quả kinh doanh tại 15 công ty con thì đã có đến 10 công ty báo lỗ và chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết lỗ...

Mặc dù thay dàn lãnh đạo mới, nhưng đến nay PVC vẫn đang trong giai đoạn chật vật, khó khăn. Sáu tháng đầu năm nay, PVC báo lãi gần 180 tỷ đồng và cho biết đã thu hồi khoảng 170 tỷ đồng công nợ. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể khắc phục được triệt để những hậu quả trong quá khứ để lại, mà người ta gọi là "di sản" của các ông Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận cùng dàn lãnh đạo PVC thời kỳ trước. Dù đã có lãi nhưng lỗ lũy kế tại PVC đến nay vẫn còn tới 2.901 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng công ty này còn có dư nợ các khoản vay bảo lãnh quá hạn lên tới 238 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn khoảng 300 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15.9, cổ phiếu PVX của PVC đứng giá 2.300 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 16.9 giảm xuống còn 2.200 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn một cốc nước chè. Nếu nhìn vào thời điểm mới lên sản, PVX được giao dịch với mức giá 27.000 đồng/cổ phiếu, có thời lên đỉnh điểm là tháng 5.2010 lên 30.000 đồng/cổ phiếu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem