Cấp "căn cước công dân" cho cây trồng, vật nuôi

Hải Đăng-Phạm Hòa Thứ tư, ngày 22/09/2021 16:33 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sẽ áp dụng lệnh mới trong kiểm soát nông sản, thực phẩm xuất khẩu, đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi là yêu cầu cấp thiết lúc này.
Bình luận 0

 Bài 1: Cấp mã số vùng trồng: Con số còn khiêm tốn

Tính đến hết tháng 4/2021, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã cấp 3.414 mã số vùng trồng (MSVT) cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trên toàn quốc. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), công tác cấp, xây dựng mã số vùng trồng vẫn còn hạn chế và nhiều bất cập, tình trạng mạo danh mã số vùng trồng vẫn diễn ra ở một số vùng.

Sử dụng tràn lan mã số vùng trồng

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp, vừa qua, Đồng Tháp có 2 mã số vùng trồng và 1 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu xoài sang Trung Quốc (VN-DTOR-0017, VN-DTOR-0018, VNDTPH-0001) đã ngừng hoạt động, do bị phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Xây dựng mã số vùng trồng - không thể chậm trễ! (bài 1):  Con số còn khiêm tốn - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch xoài ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Văn Dũng

Ông Trần Thanh Tâm: Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, gian lận xuất xứ, việc xây dựng mã số vùng trồng cần có sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX bà con nông dân...

Tuy nhiên, trong thực tế tại vùng trồng của tỉnh không có sản lượng xoài bán cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Trung Quốc mà do chính đơn vị này mạo danh "mượn" mã số vùng trồng để xuất hàng gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp - Trần Thanh Tâm cho hay: Tính đến tháng ngày 20/5/2021, Cục BVTV bàn giao cho Đồng Tháp 104 mã số vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc và 60 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các nước phát triển. 

Trong 60 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển có 25 mã số vùng trồng thuộc sở hữu của hợp tác xã/tổ hợp tác, 35 mã số vùng trồng thuộc sở hữu của DN đều đang gặp vấn đề trong quản lý, sử dụng mã số vùng trồng.

Đơn cử như đối với mã số vùng trồng thuộc sở hữu của hợp tác xã/tổ hợp tác, các DN liên kết thu mua sản phẩm/mã số vùng trồng còn rất hạn chế, nông dân vẫn bán sản phẩm cho thương lái nên chưa thấy được lợi ích của mã số vùng trồng và chưa quan tâm tới việc quản lý mã số vùng trồng.

Đối với các mã số vùng trồng thuộc sở hữu DN thì đa số các đơn vị này thu mua rất ít hoặc không thu mua sản phẩm/vùng trồng hoặc thông qua thương lái thu mua sản phẩm từ vùng trồng khiến bà con nông dân cũng rất chán nản, không mấy mặn mà với mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, tại các vùng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, tình trạng sử dụng mã số vùng trồng vẫn tràn lan và chưa đúng quy định (chưa quy định hồ sơ quản lý tại địa phương và xuất quan để kiểm soát). 

Do đó các cơ quan chuyên môn ở Đồng Tháp chưa theo dõi, giám sát, nắm được sản lượng các công ty, DN thu mua từ các vùng trồng khi xuất khẩu để kiểm tra đối chiếu đầu ra xuất khẩu.

Theo ông Tâm, việc kiểm tra giám sát đánh giá định kỳ mã số vùng trồng 6 tháng/lần (1 lần/vụ) là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nguồn nhân lực của ngành lại không đủ để thực hiện kiểm tra vì số hộ và diện tích quá lớn, hệ thống trạm BVTV của tỉnh không còn nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện nhiệm vụ này đúng tiến độ...

Cấp "căn cước công dân" cho cây trồng, vật nuôi - Ảnh 3.

Đồng Tháp đang quản lý 104 mã số vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc và 60 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các nước phát triển. Ảnh: Văn Dũng.

Cần thực hiện đồng bộ

Tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây (bao gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít và chuối) cho 48 tỉnh để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226,13ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước. 

Vùng ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm gần 36,84% (1.258 mã) tổng mã số vùng trồng đã cấp trên toàn quốc...

Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với 575 mã vùng trồng cho 6 loại trái cây sang thị trường này.

Tương tự như mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, hiện tại, việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được thực hiện đối với các sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cũng theo ông Trung, vừa qua việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chỉ triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu, theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Chưa chú trọng đến việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu thụ nội địa...

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Bộ NNPTNT, Cục BVTV cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin sản lượng sản phẩm xuất khẩu/mã số vùng trồng được DN xuất khẩu cho địa phương nắm, đối chiếu và giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế mạo danh mã số vùng trồng, tăng cường minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem