CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: 12.000 lính quân khu 5 sẵn sàng tham gia ứng cứu khi bão vào đất liền

Nhóm PV Thứ ba, ngày 27/10/2020 18:00 PM (GMT+7)
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 - Molave, vào lúc 22h ngày 27/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400km, cách Quảng Ngãi 360km, cách Phú Yên 280km, gió cấp 14, giật cấp 17.
Bình luận 0

*Tiếp tục cập nhật...

0h ngày 28/10: Thời tiết ở Đà Nẵng lúc này có mưa nhỏ, gió giật nhưng nhìn chung chưa chịu ảnh hưởng gì lớn của bão số 9. 

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: 12.000 lính quân khu 5 sẵn sàng tham gia ứng cứu khi bão vào đất liền - Ảnh 1.

Barie qua cầu Rồng được đóng lại. (ảnh: Đình Thiên)

Trước đó, tính đến 22h ngày 27/10, các lực lượng tại Đà Nẵng đã sơ tán được hơn 20.178 hộ dân với tổng số 91.206 người phải di dời. Nhiều barie qua các cầu đã được đóng lại, mới nhất là barie qua cầu Rồng được đóng lúc 22h30.

Tâm bão cách Phú Yên 280km

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Tâm bão cách Phú Yên 280km - Ảnh 1.

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Tâm bão cách Phú Yên 280km - Ảnh 2.

23h đêm 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9. (Ảnh: Nhật Bắc)

23h20: Theo Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, Quân khu 5 đã chuẩn bị các xe lội nước, xe cứu hộ tham gia ứng cứu khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Cũng theo Phó Tư lệnh Quân khu 5, 12.000 lính thuộc các đơn vị cơ động đã sẵn sàng tham gia ứng cứu khi bão vào bờ.

23h: Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các công việc cần triển khai tiếp theo:

Đối với trên biển: Tìm kiếm cứu nạn 02 tàu bị chìm của Bình Định. Kiên quyết kêu gọi 92 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố. Tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.

Đối với đất liền: Chuẩn bị chuyến thị sát của đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực vào sáng 28/10. Chuẩn bị sơ tán người dân khu vực trũng thấp, nguy cơ sạt lỏ đất, lũ quét.

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, vào lúc 22h ngày 27/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400km, cách Quảng Ngãi 360km, cách Phú Yên 280km, gió cấp 14, giật cấp 17.

Hiện toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu với 668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về công tác sơ tán dân, 6 tỉnh/thành phố (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đã hoàn thành công tác sơ tán 98.819 hộ với 374.631 người.

Tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên 188.265 lồng, bè. Các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định. Riêng hồ Đăk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ là 0,57m (đang xả với lưu lượng 160m3/s, dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định).

Bình Định: Gió rít liên tục, người dân yên tâm ở nơi trú bão

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn - Ảnh 1.

Người dân ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được đưa đến nơi tránh trú bão an toàn, vào tối 27/10. (Ảnh: Dũ Tuấn)

22h45: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh Bình Định đã sơ tán được 4.400 hộ dân với hơn 15.000 người ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Địa điểm mà người dân sơ tán đến là các nhà dân kiên cố trong xã, trụ sở UBND xã, trường học, trụ sở thôn, nhà tránh trú cộng đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại thị xã Hoài Nhơn, chính quyền còn cử nhiều tổ công tác đi từng nhà, vận động từng người dân dời đến các điểm tập trung, đảm bảo an toàn.

"Mỗi lần có bão là tôi đi sơ tán, hết bão mới về. Các cán bộ với dân quân đến vận động dân đi sơ tán, dọn đồ đạc, đóng nhà cửa. Ở nơi sơ tán rất an toàn, không bị gió, bão khiến người dân vô cùng yên tâm", bà Nguyễn Thị Nên (63 tuổi, được di dời lên ở trong điểm trường xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ.

Theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Phạm Trương, địa phương chủ động thành lập và giao quyền chỉ huy cho lãnh đạo các xã để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 nhanh nhất.

"UBND thị xã đã thành lập 4 trung tâm tại 4 địa bàn của thị xã. Để xử lý nhanh, ứng phó với cơn bão thì giao thẩm quyền cho đồng chí chỉ huy tại chỗ. Đồng thời, chúng tôi bố trí 6 ca nô xuống các điểm này để đảm bảo cứu hộ cho dân", ông Phạm Trương nói.

Quảng Nam: Mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh hơn

Tại Quảng Nam từ 22h30 tối nay gió bắt đầu mạnh hơn, mưa nặng hạt.

Huyện miền núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) báo cáo nhanh cho biết, đến 21h ngày 27/10 đã di dời dân tại các khu vực có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, gồm di dời tập trung 127 hộ, 544 khẩu; di dời xen ghép 29 hộ, 131 khẩu. Ngoài ra đã sơ tán 15 công nhân đang ở lán trại tạm thi công trạm biến áp 110kV về tập trung tại Trung tâm văn hóa huyện.

Đà Nẵng thực hiện lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra đường

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn - Ảnh 1.

Ngành GTVT đã triển khai lực lượng chốt chặn, thực hiện rào chắn tại các cây cầu. (Ảnh: Diệu Bình)

22h: Từ 20h tối 27/10, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm, cấm tất cả người dân ra đường để đảm bảo an toàn trước giờ bão số 9 (Molave) đổ bộ đất liền. Song song với đó, ngành GTVT đã triển khai lực lượng chốt chặn, thực hiện rào chắn tại các cây cầu bắc qua sông Hàn để kịp thời cảnh báo, theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý… Ngoài ra, bố trí người trực gác tại cầu Nguyễn Văn Trỗi để kịp thời nâng, hạ nhịp cầu.

Lực lượng chốt trực là đội quản lý cầu thuộc Công ty quản lý cầu đường Đà Nẵng (Sở GTVT TP Đà Nẵng), nếu cần sẽ có sự hỗ trợ của của lực lượng CSGT. Tại các cây cầu đều có phòng chỉ huy dưới cầu, có thiết bị theo dõi, đo gió...

Ngoài ra, Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng giao Công ty cổ phần Cầu đường chuẩn bị ít nhất 2 xe xúc lật để chuẩn bị dọn dẹp cát chài trên các tuyến đường ven biển: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp. Chuẩn bị máy phát điện dự phòng, máy bơm nước để phòng chống ngập úng tại mố neo cầu Trần Thị Lý, hầm chui nút phía Tây cầu Sông Hàn, nút Điện Biên Phủ.

Thanh tra sở GTVT TP Đà Nẵng có nhiệm vụ triển khai 100% quân số thực hiện công tác tuần tra, kịp thời phối hợp với các lực lượng Công an tổ chức chốt chặn ở những vị trí có khả năng ngập sâu trên các tuyến đường, nhất là khu vực Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14B; hướng dẫn các phương tiện giao thông đậu đỗ trên tuyến Quốc lộ 1A đảm bảo an toàn; phân luồng đảm bảo giao thông tại các vị trí nguy hiểm, ách tắc giao thông, các khu vực trọng điểm, khu vực sơ tán đi và đến.

Bình Định: Công bố số điện thoại của 15 lãnh đạo ứng phó bão

21h40: Nhiều người dân ở tỉnh Bình Định đã nhận được tin nhắn qua Zalo số điện thoại của 15 lãnh đạo ở tỉnh này, để liên lạc khi cần cứu hộ, cứu nạn ứng phó với bão số 9. 

 Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, thời tiết tại TP.Quy Nhơn vẫn đang có mưa nặng hạt và gió rít liên hồi. Nhiều chủ homestay, nhà nghỉ… ở nội thành Quy Nhơn cũng đưa ra thông báo, đề nghị người dân đang ở nhà thuê, nhà cấp 4 ẩm thấp, gần núi… nơi không an toàn trong bão số 9 thì có thể đến đây ở và cam kết phòng sạch sẽ, không tính tiền.

“Hiện nay nhà nghỉ còn trống 4 phòng đơn và 1 phòng đôi, phòng có tiện nghi và an toàn. Chân thành mời về nhà nghỉ Khang Hy để ở qua cơn bão, không tính tiền”, đại diện chủ nhà nghỉ Khang Hy nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP.Quy Nhơn) cho hay.

Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn

21h30: Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn. 

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát lúc 21h, vào lúc 19h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc, 112,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 430km, cách Quảng Ngãi 380km, cách Phú Yên 320km. 

Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm 27/10. Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối 28/10.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió giật cấp 11-13, giật cấp 15.

Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc, 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn - Ảnh 1.

Người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Diệu Bình


CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Gió tại đảo Lý Sơn đã giật cấp 10 - Ảnh 1.

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Gió tại đảo Lý Sơn đã giật cấp 10 - Ảnh 2.

20h50: Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, vẫn còn 10 tàu trong vùng nguy hiểm của bão số 9.

Đà Nẵng bắt đầu có mưa và gió giật. Lực lượng CSGT chốt chặn tại đầu các cây cầu.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng có công điện yêu cầu người dân không ra đường kể từ 20h đêm 27/10 để đảm bảo an toàn.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT - Công an TP.Đà Nẵng cho hay, đơn vị tổ chức các tổ TTKS lưu động, tuyên truyền vận động người dân không ra đường theo khuyến cáo của Đà Nẵng từ 20h tối 27/10.

"Việc xử lý hành vi lưu thông ngoài đường sau 20h tối 27/10 rất khó do thời tiết mưa, gió và chưa có chế tài cụ thể. CSGT đang tuyên truyền, vận động là chính. Nhìn chung người dân chấp hành khá tốt", Đại tá Truyền nói.

Lãnh đạo Đội CSGT - Công an quận Sơn Trà thông tin, đơn vị trực 100% quân số phòng chống bão số 9. Việc xử lý người dân lưu thông ngoài đường sau 20 giờ tối 27/10 chưa triển khai vì đang chờ chỉ đạo của Công an quận. Nhìn chung quy định này mang tính khuyến cáo là chính.

Thông tin từ UBND TP.Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã sơ tán hơn 140.000 dân đến nơi an toàn, yêu cầu các ngư dân neo đậu tàu thuyền và rời khỏi tàu, lồng bè...

Gió tại đảo Lý Sơn đã giật cấp 10

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: Gió tại đảo Lý Sơn đã giật cấp 10 - Ảnh 1.

Sóng biển ở Lý Sơn cao từ 3-4 mét. Ảnh: CTV

20h30: Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 20h tối nay tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 16m/s (cấp 7) giật 25m/s (cấp 10).

Hiện một số trụ sở cơ quan Thi hành án, nhà thi đấu Trung tâm TT-VH-TT huyện Lý Sơn bị tốc mái. Sóng biển cao từ 3-4 mét.

Vị trí tâm bão khoảng 13,7oN; 112,1oE, cách Đà Nẵng khoảng 475km, cách Quảng Nam 420km, cách Quảng Ngãi 378km, cách Phú Yên 310km. Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Bình Định: Từ 22h đêm nay, người dân không được ra khỏi nhà

20h15: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trước khi bão số 9 đổ bộ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà bắt đầu từ 22h đêm nay (27/10) cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu không còn nguy hiểm.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không ra đường khi xảy ra bão, mưa lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt khẩn cấp).

Các địa phương trong tỉnh phải khẩn trương, thông báo người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm đủ dùng trong thời gian ở nhà.

Tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu cá, tàu vận tải neo đậu, lán trại tạm công trình đang thi công xây dựng, kể từ 20h ngày 27/10 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 9.

Trường hợp người dân không chấp hành thì kiên quyết xử lý, cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

CẬP NHẬT bão số 9 - Molave: 2 tàu bị chìm trên biển - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng điện thoại đôn đốc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phòng chống bão số 9 trong cuộc họp tại Sở chỉ huy tiền phương tối 27/10. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bão số 9 cách đất liền 315km

19h30: Tin mới nhất về bão số 9: Vị trí tâm bão lúc 19 giờ ngày 27/10: Khoảng 13,7oN; 112,2oE, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 425km, cách Quảng Ngãi 385km, cách Phú Yên 315km. Sức gió mạnh nhất: Cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến 19h ngày 27/10, tàu cá BĐ- 986580-TS hỗ trợ tìm kiếm tàu BĐ-963388-TS hiện đang neo, không thể di chuyển khỏi vùng bão. Vào 18 giờ 16 phút ngày 27/10, trực ban đã liên lạc số điện thoại vệ tinh cho thuyền viên, tàu đang neo tại tọa độ 12045'N – 111035'E, trên tàu có 14 thuyền viên sức khỏe bình thường.

Theo thông tin Trạm bờ Quy Nhơn, đã liên lạc người nhà và gọi cho thuyền viên tàu BĐ-97469-TS vào hồi 16 giờ 50 phút ngày 27/10 được thông báo tàu đang phá nước tại tọa độ 12017'N – 112032'E. Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo từ Bộ chỉ huy Biên phòng và Chi cục Thủy sản Bình Định thì tàu bị chìm trên tàu có 14 thuyền viên.

Đi cùng tàu BĐ-97469-TS có tàu BĐ-98685-TS cách tàu chìm khoảng 7 hải lý, do gió to nên tàu không di chuyển được và đang neo dù để đảm bảo tàu an toàn.

Tổng cục Thủy sản đề nghị Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai chỉ đạo các lực lượng thực hiện cứu nạn đối với các tàu BĐ--963388-TS, BĐ-97469-TS, BĐ-98685-TS.

Phú Yên: Điều xe bọc thép ứng phó khi bão số 9 đổ bộ

19h: Để ứng phó với bão số 9, Quân khu 5 đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại tỉnh Phú Yên.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cũng đã điều xe bọc thép sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 đổ bộ.

PV Dân Việt ghi nhận tại biển Tam Thanh (Quảng Nam), nơi di dời 100% dân tránh bão số 9. Clip: Trương Hồng

Thêm 1 tàu bị chìm, không liên lạc được

18h45: Theo tin mới cập nhật từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng, vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 27/10, tàu cá BĐ 97469 TS với 14 lao động do ông Võ Ngọc Đoan (sinh năm 1979) làm thuyền trưởng, trên đường chạy về bờ tránh bão, đến khu vực 12017'N-112008'E (cách Đông Hòn Tre, Khánh Hòa khoảng 172 hải lý) bị phá chìm, không liên lạc được.

Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với gia đình chủ tàu tiếp tục liên lạc với thuyền trưởng, thông báo cho các phương tiện đang trên đường di chuyển về bờ tránh bão, qua khu vực tàu bị nạn quan sát hỗ trợ tìm kiếm.

Bão số 9 có gió giật rất mạnh

18h30: Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, cơn bão số 9 có gió giật rất mạnh, trên khu vực giữa biển Đông gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Từ đêm nay, hoàn lưu bão sẽ gây gió mạnh trực tiếp trên các khu vực đất liền, ven biển khu vực miền Trung.

"Chúng tôi nhấn mạnh lưu ý đặc biệt hoàn lưu của cơn bão tương đối rộng, có gió mạnh, trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, trong đó lưu ý đặc biệt khu vực Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên có thể có gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 15. Đây là gió cực mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới các công trình, nhà cửa, cây cối và các cơ sở hạ tầng khu vực các huyện ven biển của các tỉnh này nên bà con hết sức lưu ý" - ông Khiêm nhấn mạnh.

Theo ông Khiêm, thời gian gió mạnh nhất trên đất liền bắt đầu từ đêm nay cho đến chiều, tối 28/10. "Các nguy cơ trong bão có những tai biến khác liên quan như: Mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, trong các bản tin cụ thể chúng tôi cung cấp các cơ quan địa phương dự phòng".

Quảng Nam bắt đầu xuất hiện mưa to

18h10: Tại Quảng Nam bắt đầu xuất hiện mưa to. Các xã vùng ven biển Quảng Nam đã di dời dân đến nơi an toàn. Dự kiến khoảng 23h đêm nay, các vùng bị ảnh hưởng tại Quảng Nam bị cúp điện như: Tam Thanh, Tam Phú, một số vùng ven biển huyện Núi Thành.

Tính đến 16h chiều 27/10, trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 hiện còn 20 phương tiện, trong đó Bình Định 19 tàu, Khánh Hòa 1 tàu. Vào lúc 13h ngày 27/10, 1 tàu cá BĐ-96388-TS với 12 lao động bị phá nước chìm ở 12o43'VB-111o27'KĐ, cách Hòn Tre, Khánh Hòa 120 hải lý.

Tại khu vực này có tàu BĐ-98658-TS với 14 lao động đã tiếp cận nhưng không tìm thấy 12 người của tàu BĐ 96388 TS. Hiện tàu BĐ 98658TS đang thả neo tại địa điểm. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Bình Định hiện đang thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Bình Định đã xuất hiện mưa nặng hạt, nhiều điểm sạt lở

Từ chiều nay (27/10), trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt ở khu vực tỉnh Bình Định. Tại cảng cá Quy Nhơn, nhiều ngư dân tất bật với những công việc cuối cùng trước khi toàn bộ hoạt động ở cảng được tạm dừng.

Bà Võ Thị Thành Vương (ở thị xã Hoài Nhơn) cho biết, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương mới đi được 20 ngày nhưng khi nghe tin bão là cho tàu chạy vào bờ, dù có thiệt hại nhưng an toàn là trên hết.

Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định Đào Xuân Thiện cho biết, từ 17h chiều nay, đã cho dừng toàn bộ hoạt động mua bán, xuất nhập hàng để ứng phó với bão số 9.

Lực lượng chức năng liên tục phát loa thông tin để bà con ngư dân cũng như người buôn bán nắm được thông tin. Việc khuyến cáo chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi cơn bão đổ bộ cũng được thực hiện liên tục.

Bão số 9 sắp đổ bộ: Bình Định đã xuất hiện mưa nặng hạy, sạt lở - Ảnh 1.

Ngư dân Bình Định hối hả làm công việc cuối cùng để chạy bão. Ảnh: Dũ Tuấn

Tại khu vực núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), 36 hộ dân sinh sống dọc theo triền núi đang bị uy hiếp, bởi nguy cơ sạt lở. Do mưa, khu vực núi Gành đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún và càng ngày khoét sâu vào chân núi, nhà dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương cho biết, sáng 27/10 tổ công tác UBND huyện Phù Cát đã đến vận động di dời 36 hộ dân sát chân núi Gành và 50 hộ dân sống lân cận có thể bị ảnh hưởng, nếu xảy ra sạt lở núi do bão.

"Chúng tôi làm rất cương quyết, đến 17h chiều 27/10 đưa tất cả các hộ dân này đến nơi ở an toàn", ông Hương cho hay.

Bão số 9 sắp đổ bộ: Bình Định đã xuất hiện mưa nặng hạy, sạt lở - Ảnh 2.

Điểm sạt lở đường ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Chủ tịch UBND huyện miền núi An Lão Trương Tứ cho biết, do ảnh hưởng của bão kèm mưa lớn khiến một số tuyến đường liên xã trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, ách tắc.

"Chúng tôi xác định có 850 hộ dân ở các xã An Hòa, An Nghĩa, An Quang và An Vinh nằm trong vùng nguy hiểm có khả năng bị sạt lỡ, lũ quét, ngập lụt khi bão số 9 ập tới. Huyện sẽ di dời hộ dân nói trên đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ đất liền", ông Tứ nói.

Chủ động đối phó với bão số 9, UBND tỉnh Bình Định dự kiến di dời khoảng 15.000 hộ dân với gần 65.000 nhân khẩu. Theo đó, đến 18h chiều nay, các địa phương đã chủ động di dời dân tùy theo mức độ, trong đó kiên quyết di dời dân vùng nguy cơ sạt lở ở huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Ân…

Bão số 9 sắp đổ bộ: Bình Định đã xuất hiện mưa nặng hạy, sạt lở - Ảnh 3.

Công an, bộ đội giúp dân xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn chằng chống nhà cửa trước khi bão vào. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, mới vào đầu mùa mưa nhưng tại huyện An Lão đã có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Tình hình sạt lở núi tại các tỉnh ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… trong đợt bão số 8 vừa qua, là bài học kinh nghiệm đối với tỉnh Bình Định. Vì vậy, trọng tâm của các huyện miền núi là đề phòng sạt lở.

"Những vùng có dân sống dưới chân núi có nguy cơ sạt lở phải di dời bằng mọi cách, thậm chí cưỡng chế di dời trước khi bão số 9 vào. Sau bão sẽ có mưa rất lớn, nguy cơ sạt lỡ dự kiến xảy ra rất nghiêm trọng nên phải cương quyết để bảo đảm an toàn cho người dân", ông Dũng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quảng Ngãi phải hoàn tất di dời 120.000 dân

Chiều nay (27/10), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác T.Ư đã vào kiểm tra công tác triển khai phòng chống cơn bão số 9 của tỉnh Quảng Ngãi,

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác T.Ư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đến thời điểm này, công tác triển khai phòng chống bão số 9 trên địa bàn thực hiện đúng kế hoạch, dự kiến.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quảng Ngãi phải hoàn tất di dời 120.000 dân trước giờ bão số 9 đến  - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác T.Ư đã vào kiểm tra công tác triển khai phòng chống cơn bão số 9 của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Công Xuân

Cụ thể toàn bộ tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào nơi neo đậu, trú ẩn; việc cột chằng nhà cửa của người dân cơ bản đã xong; việc triển khai bảo vệ các công trình lớn, trọng điểm được các cấp ngành của tỉnh thực hiện nghiêm túc…

Riêng đối với việc di dời dân, tính đến thời điểm này ước khoảng 55.000 người (trong đó toàn bộ số trường hợp người già yếu, phụ nữ và trẻ em) đã được đưa đến nơi trú ẩn; hiện các cấp ngành đang tiếp tục nỗ lực để đưa số còn lại đến nơi ở tạm an toàn.

Biểu dương sự nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai công tác phòng chống bão số 9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Bão số 9 là cơn bão rất mạnh, Quảng Ngãi là một trong những địa phương được dự báo nằm trong tâm bão. Vì vậy trong thời gian ngắn còn lại, tỉnh Quảng Ngãi phải nỗ lực, tích cực hơn nữa để triển khai hoàn thành các việc còn lại.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Nhiệm vụ số 1 của Quảng Ngãi là phải đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân. Bằng mọi cách từ đây đến chậm nhất là khoảng 20h tối 27/10 phải đưa toàn bộ số trường hợp ở khu vực nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn. Rà soát kiểm tra lại toàn bộ phương án phòng chống bão số 9, xem thử triển khai còn thiếu sót chỗ nào, cái gì… thì phải khẩn cấp thực hiện hoàn thành. Cần phải bảo đảm an toàn tài sản của dân, công trình của Nhà nước. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý chính quyền Quảng Ngãi tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên thuyền.

Lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Ngày 28/10, bão số 9 sẽ đi vào đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Ảnh: nchmf.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng để ứng phó với cơn bão số 9. 

Bão có gió giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. 

Lập sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Ngư dân xã Xuân Hòa, TX.Sông Cầu (Phú Yên) di dời tài sản tránh bão. Ảnh: Hùng Phiên

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự kiến trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. 

Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.

Từ trưa và chiều ngày 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. 

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Lên kế hoạch sơ tán hơn 570.000 dân, đảm bảo an toàn tàu, hồ đập

Đến 6h sáng 27/10, các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Phú Yên đã rà soát chuẩn bị kế hoạch sơ tán khoảng 147 nghìn hộ dân với hơn 571 nghìn người đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu với 229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đối với công tác tìm kiếm cứu nạn 12 công nhân đang bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 sau 1 ngày gián đoạn đã được nối lại vào ngày hôm qua. 

Bộ Quốc phòng đã cử 2 đoàn công tác vào Đà Nẵng và Khánh Hòa để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng để chỉ đạo ứng phó bão số 9. Đồng thời, có Công điện khẩn chỉ đạo quân khu 4, 5, các quân binh chủng gồm: hải quân, biên phòng và phòng không không quân và quân đoàn 3 triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó bão.

Theo Tổng cục Thủy lợi, ở khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công. 

Tại Nam Trung Bộ có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích, trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích, trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công và 1 hồ đang xả tràn.

Phía Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp thủy điện từ Nghệ An đến Phú Yên đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão số 9. Đã cử cán bộ đoàn công tác phối hợp cùng Sở chỉ huy tiền phương kiểm tra hồ thủy điện từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

Tại cuộc họp chủ động ứng phó bão số 9, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nêu rõ, các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai không chủ quan trong ứng phó bão số 9. 

Cần chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật diễn biến bão số 9 để phục vụ công tác chỉ đạo và tham mưu địa phương trong ứng phó bão.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới

Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem