Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế đã
báo cáo nhanh công tác phòng chống cơn bão số 10 ở tỉnh. Đến 19 giờ ngày 29.10,
các địa phương trên địa bàn đã di dời hơn 1.000 người dân ở các vùng nguy hiểm,
bị đe dọa bởi sạt lở bờ sông, bờ biển đến nơi an toàn.
Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế không được chủ quan trong
công tác ứng phó với cơn bão số 10.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa
phương hoàn tất việc di dời 2.884 hộ dân với 11.566 nhân khẩu khỏi các vùng
nguy hiểm trước 9 giờ ngày 30.9. Công tác kêu gọi tàu thuyền của ngư dân trên
địa bàn vào bờ đã được thực hiện hoàn tất trong ngày 29.9. Việc tích trữ lương
thực để cứu trợ cho người dân trong bão, lũ đã được địa phương chuẩn bị sẵn
sàng.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh
giá cao công tác ứng phó với cơn bão số 10 của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Theo Phó
Thủ tướng, cơn bão số 10 càng tiến gần đất liền thì cường độ càng mạnh và tốc
độ càng nhanh. Cơn bão này sẽ đi sâu vào đất liền và cùng với bão là mưa lớn
gây lũ lụt nên công tác phòng chống cần phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm
túc, không được chủ quan.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế
chú ý công tác phòng chống bão, lụt tại các khu dân cư ở miền núi, vì đây là
những khu vực có nguy cơ bị thiệt hại bởi sạt đất và lũ quét rất cao.
“Tỉnh phải
yêu cầu các huyện miền núi khẩn trương rà soát công tác phòng chống bão lũ ở
các khu dân cư ngay trong đêm 29 và sáng 30.9”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
nhấn mạnh.
Chiều nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết, để đối phó với cơn bão số 10, họ đã ra công điện yêu cầu các huyện/thành phố thuộc tỉnh phải chủ động ứng phó với cơn bão.
Theo
đó các huyện/thành phố
phải theo dõi,
quản lý chặt chẽ và thông báo thường xuyên cho các chủ tàu thuyền còn đang hoạt
động trên biển Đông biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 10 để
chủ động phòng, tránh
; tổ chức neo
đậu tàu thuyền đảm bảo cho người và phương tiện; tuyệt đối không để người trên
tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ
; kiểm tra rà soát các phương án sẵn sàng sơ tán dân cư
ở vùng thấp trũng, ven biển, cửa sông; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng,
trường học, bệnh viện
; kiểm tra rà
soát các phương án an toàn hồ đập, các hồ thủy lợi thủy điện xả nước theo quy
trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, hạn chế
gây ảnh hưởng thiệt hại cho các vùng hạ du.
Tàu thuyền đang vào bờ tránh
bão. Theo
báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, thì đến
thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 75 tàu cá đang hoạt động trên biển, với tổng 2.340
lao động. Trong đó có 4 tàu hoạt động gần bờ có 34 lao động; 71 tàu hoạt động xa
bờ với 2.306 lao động. Đa số tàu hoạt động xa bờ ở khu vực hoạt động: từ 080N
đến 140N; 1100E đến 1110E.
Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam,
đang tích cực kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh bão an toàn.
Do
ảnh hưởng cơn bão số 8 dẫn đến mưa lớn, hiện nay đã có 16/74 hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam đã tích đầy nước (gồm 2 hồ của công ty Thủy lợi và 14 hồ của địa phương quản
lý); còn mực nước các hồ thủy điện AVương, ĐakMi 4 đều đang ở trên mực nước
dâng bình thường không cao.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã
đề nghị các hồ chứa thủy điện chủ động xả nước về đến mực nước đón lũ theo đúng
quy trình khi mực nước tại Ái Nghĩa còn dưới báo động I.
Trước đó vào sáng ngày 29.9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLBTKCN) thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp trước nguy cơ bão số 10 có thể đổ bộ vào địa bàn thành phố.
Theo đó, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND-Trưởng Ban Chỉ huy PCLBTKCN thành phố Đà Nẵng, đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phòng chống cơn bão số 10 không được chủ quan và yêu cầu các sở, ngành, địa phương phân công lãnh đạo, cán bộ trúc trực 24 giờ trong ngày.
Ngoài ra ông Viết còn yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT theo dõi tình hình, diễn biến của bão số 10 để xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học theo từng vùng, từng khu vực.
Hiện tất cả tàu thuyền của thành phố Đà Nẵng đã vào bờ hoặc tìm được chổ trú, tránh bão an toàn nên ưu tiên hiện nay là giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền, đưa các phương tiện công suất nhỏ lên bờ, còn các phương tiện công suất lớn thì đưa vào trú tránh trong âu thuyền, đồng thời lên phương án di dời dân vùng xung yếu, triều cường đến nơi cao ráo.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung Tây Nguyên sáng ngày 29.9, Ban chỉ huy PCLBTKCN, Bộ chỉ huy BĐPB các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.464 tàu cá với 182.560 ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú, tránh bão.
Hiện các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.
Do ảnh hưởng
của bão số 10, từ đêm hôm nay (29.9) Trung Bộ có mưa bão trên diện rộng, riêng
các tỉnh bắc và trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các
tỉnh Nghệ An đến Đà Nẵng cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao
từ 3-4m. Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương.
Hồi 13 giờ ngày 29.9, vị trí tâm bão ở vào
khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt
Nam). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134-149km/giờ), giật
cấp 15-16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu
theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến
1 giờ ngày 30.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông,
cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 200km về phía đông đông
nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 13-14 (từ 134-166km/
giờ), giật cấp 16-17.
Trong khoảng 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di
chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 13 giờ ngày
30.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, ngay trên
vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng
gần tâm bão giảm xuống cấp 12-13 (từ 118-149km/giờ), giật cấp 15-16.
Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng
đổi hướng, di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng
15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); sau đó
ATNĐ tiếp tục di chuyển về phía tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13
giờ ngày 1.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 101,7
độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía bắc nước Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở
trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn
lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi
qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động cực kỳ dữ dội, sóng biển cao như núi,
sức phá hoại cực lớn. Đánh đắm cả tàu có trọng tải lớn.
Vùng biển ngoài khơi
các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi, gió xoáy sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng
lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động cực
kỳ dữ dội, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12-13.
Biển động dữ dội.
Từ sáng ngày 30.9 trở đi, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Nam có
gió xoáy mạnh dần lên cấp 7-8, riêng khu vực Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió
mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 14-15.
Các tỉnh bắc và trung
Trung Bộ từ đêm hôm nay (29.9) có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các
tỉnh Nghệ An đến Đà Nẵng cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao
từ 3-4m.
Hồng Phong-Đình Thiên-Minh Hải-An Sơn (Hồng Phong-Đình Thiên-Minh Hải-An Sơn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.