Theo quy định của điện lực, từ tháng 9.2012, từ 22 giờ trở đi người dân mới được sử dụng điện xông thanh long, hộ nào vi phạm sẽ bị phạt cắt điện. Sau 1 tháng áp dụng, người dân kêu cứu khắp nơi, ngành điện nới rộng thời gian cấp điện từ 21 giờ, nhưng giữa đêm điện liên tục bị cắt ngắt quãng khiến nông dân khốn đốn.
|
Nông dân xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành thu hoạch thanh long. |
Nhà vườn khốn đốn
Ông Nguyễn Văn C (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) bức xúc: “Muốn đủ ánh sáng cho cây thanh long ra hoa và đạt năng suất cao thì phải xông đèn liên tục từ 19-20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Với thời gian như thế, 650 trụ thanh long/6.000m2 đất của ông cho năng suất 15 tấn/đợt. Còn hiện nay, thời gian đốt đèn cho cây thanh long mỗi đêm giảm đi 2-3 giờ nên năng suất thanh long đã giảm ít nhất 50%”.
Theo người dân trồng thanh long, từ đầu tháng 11 đến nay, điện lực cho phép xông đèn từ 21 giờ. Tuy nhiên, người dân vẫn khốn đốn bởi thời gian mở điện sớm hơn nhưng cứ giữa đêm thì liên tục mất điện.
Ông Nguyễn Văn T (ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội) kể: “Đêm nào cũng mất điện vài lần, nhanh thì 30 phút, chậm thì 2 tiếng đồng hồ. Ngay trong đêm 11 rạng sáng 12.11, điện bị mất 2 lần. Bình thường cứ xông đèn 15 đêm liên tục rồi ngừng 3 ngày thanh long sẽ ra nụ đều. Thế nhưng vườn thanh long của tôi xông đèn cả tháng nay mà chưa thấy nụ đâu”.
Bà Nguyễn Thị Đậm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết, toàn huyện hiện có gần 1.500ha cây thanh long, trong đó đang vào vụ xông đèn khoảng 1.200ha. Từ tháng 10.2012, nguồn điện bị quá tải nên chỉ cho xông đèn từ 22 giờ, trong khi trời mưa nhiều đã ảnh hưởng đến thanh long.
Còn thiếu điện dài dài
Theo ông Trương Văn Biết – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, để kích thích cho cây thanh long ra hoa cần 2 yếu tố: Kéo dài thời gian chiếu sáng và phải bảo đảm nhiệt độ cho cây thanh long. Do đó phải xông đèn từ 20 giờ để đảm bảo nhiệt độ không xuống thấp.
Ông Biết yêu cầu ngành điện phải cho dân xông đèn từ 20 giờ để đảm bảo đặc tính sinh học và năng suất thanh long. Tuy nhiên, ngành điện cho rằng cả huyện có 290/654 trạm biến áp đang mang phụ tải thắp sáng xông đèn thanh long. Thế nhưng trạm biến điện 110Kv Tân An đã quá tải 136% không đáp ứng nhu cầu cung cấp điện tại đầu nguồn nên phải luân phiên cung cấp điện xông thanh long.
“Ngành điện có yêu cầu chúng tôi sử dụng đèn compact thay cho bóng đèn tròn để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho rằng bóng compact sinh nhiệt yếu nên họ ngại sử dụng”.
Ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu
Hiện người trồng thanh long trên địa bàn đã hạ thế 800 bình, mỗi bình từ 50 đến 75 KVA để xông đèn nhưng khả năng của ngành điện cũng chỉ đáp ứng khoảng 320 bình, vì vậy không thể nào giải quyết nhu cầu dùng điện của người dân.
Theo ông Dương Văn Thành – Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương tỉnh Long An), ngành điện hiện rất ngại đầu tư bởi mỗi năm thanh long chỉ có 3 đợt xông đèn, tổng thời gian chừng 60 ngày nên những ngày không xông đèn ngành điện sẽ… thừa tải. “Chúng tôi có khuyến khích người dân sử dụng đèn compact để tiết kiệm điện, nhưng chi phí đầu tư mỗi ha khoảng 30 – 40 triệu đồng, lại dễ mất cắp nên người dân chưa chịu dùng” – ông Thành nói.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.