Câu chuyện chuyển đổi số báo chí: Khi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng"
Câu chuyện chuyển đổi số báo chí: Khi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng"
Thanh Tùng
Thứ ba, ngày 27/06/2023 15:12 PM (GMT+7)
Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí cần phải có công nghệ và nhiều giải pháp, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Ngày 27-6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Chuyển đổi số báo chí: Khi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng"
Bàn về câu chuyện chuyển đổi số báo chí, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa "kinh tế báo chí số".
Để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, theo ông Nguyễn Thành Lợi, báo chí cần phải thay đổi tư duy, cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là "Nữ hoàng", hay "công chúng là số 1" đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không nằm ngoại lệ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp. Tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Theo Bà Trần Thị Giang - Phó tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay đề xuất, báo chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành, có chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí.
Chuyển đổi số đa nền tảng – công cụ để phát triển kinh tế báo chí
Theo quan điểm của ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam thì báo chí cần chuyển đổi số đa nền tảng, cụ thể: "Sau chuyển đổi và tái cơ cấu Tòa soạn, Tạp chí tập trung được nguồn lực vào đầu tư cho sản xuất nội dung chuyên sâu cho cả Tạp chí in và VnEconomy, những hình thức nội dung mới đa phương tiện, đa nền tảng cho VnEconomy.
Đối với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tòa soạn định hướng phát triển nội dung chuyên sâu đặc trưng của tạp chí, với các bài viết độc quyền của chuyên gia theo từng nhóm chủ đề, cùng hệ thống số liệu chuyên đề theo từng số.
Đối với Tạp chí Vietnam Economic Times, thay đổi đặc biệt được thực hiện trên Tạp chí điện tử là kết nối nội dung chặt chẽ với VnEconomy nhằm cập nhật sát hơn các thông tin kinh tế Việt Nam cho bạn đọc quốc tế.
Tạp chí áp dụng công nghệ chuyển ngữ bằng trí tuệ nhân tạo, dịch nội dung tạp chí ra 108 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, Tạp chí vẫn có sự giám sát chặt chẽ bằng con người, đặc biệt là với các tít, sapo của mỗi tin bài, nhằm kiểm soát chất lượng. Một lợi thế của Tạp chí là các nội dung kinh tế chuyên sâu được dịch bằng trí tuệ nhân tạo có tính chính xác cao, không gây hiểu nhầm như đối với các nội dung văn học hay xã hội.
Đối với VnEconomy, tòa soạn tập trung phát triển các cuộc Đối thoại chuyên đề có hình, với các chủ đề đa dạng trong lĩnh vực kinh tế. Nội dung các Đối thoại đều được phát trực tiếp trên VnEconomy và phối hợp thực hiện các chuyên đề song song trên Tạp chí in. Đây là xu hướng báo chí đa phương tiện với nội dung chuyên sâu được Tạp chí khởi xướng và dẫn đầu, hình thành một trào lưu mới được các tòa soạn khác làm theo".
Giải bài toán tự chủ tài chính đối với các cơ quan báo chí
Chia sẻ phương án giải bài toán tự chủ về kinh tế TS.NB.Phạm Thị Mỵ - Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, cho rằng: "Trước những khó khăn về nguồn thu suy giảm mà các cơ quan báo chí và đặc biệt là tạp chí khoa học đang gặp phải, đa số các ý kiến đều cho rằng bản thân các tạp chí cũng cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và chiến lược phát triển lâu dài, nhất là đầu tư mạnh về công nghệ nhằm thu hút độc giả. Cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa các nhà mạng và báo chí.
Bên cạnh đó cũng cần phải có những hỗ trợ của Nhà nước để các cơ quan báo chí - công cụ truyền thông thiết yếu hoạt động có hiệu quả. Người làm báo báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả.
Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo vững mạnh, đó cũng là góp phần giải bài toán về tự chủ tài chính, đóng góp vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.