Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
Thứ tư, ngày 11/10/2023 13:06 PM (GMT+7)
Ngày mai, 12/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, Dân Việt xin giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan về phát triển hợp tác xã.
Mỗi lần đi thăm hợp tác xã thấy thật ấm áp. Từ những người quen với nếp nghĩ "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm", bây giờ xúm xít bên nhau, hợp tác làm ăn là cả một quá trình thay đổi nhận thức... Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả mà đó là một hành trình sẽ có nhiều thách thức.
"Dân ta nhớ một chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh".
Từ khi chưa giành được độc lập cho đất nước, trong quyển "Đường Kách mệnh" viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của hợp tác xã, Bác Hồ đã nhấn mạnh: "Tục ngữ An Nam có những câu: "Nhóm lại thì giàu, chia nhau thì khó" và "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao". Điều đó cho thấy tinh hoa dân tộc đã được Bác Hồ chuyển hoá thành tầm nhìn chiến lược sau này.
Hợp tác xã là một tư tưởng phổ quát giúp thúc đẩy xã hội phát triển. Một cộng đồng thiếu hợp tác với nhau là một cộng đồng yếu dù có thể từng thành viên đều mạnh. Một làng nghề, một ngành nghề mà những nghệ nhân, nông dân không hợp tác sẽ khó có thể đi xa dù có thể mỗi người đều lành nghề. "Buôn có bạn, bán có phường" là một triết lý dẫn đến thành công cho nhiều cộng đồng có cùng ngành nghề.
Giá trị sâu xa của hợp tác xã là tận dụng lợi thế quy mô số đông. Sức mạnh của số đông thì ai cũng biết, "Mãnh hổ nan địch quần hồ" mà. Những triết lý tưởng chừng đơn giản như vậy mà sao đưa vào nông nghiệp, nông dân lại khó khăn trầy trật vô cùng! Vận động thành lập hợp tác xã khó khăn, thành lập rồi để giữ vững lại khó khăn, muốn phát triển lại càng khó khăn.
Có phải mô hình hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn ám ảnh dẫn đến hiểu không đúng về mô hình hợp tác xã kiểu mới? Có phải do hiểu ra rồi nhưng vì tinh thần hợp tác của người mình yếu kém? Có phải mọi người "không" hay "chưa" nhận ra giá trị của kinh tế hợp tác chính là cứu cánh cho nền nông nghiệp vượt qua lời nguyền cố hữu "manh mún, nhỏ lẽ, tự phát" xứ mình?
Có một nông dân ưu tư: "Hợp tác" cũng tương tự như "hùn hạp" thôi, nếu thấy "hạp" nhau thì "hùn", khi không còn "hạp" nhau thì không "hùn" nữa, vốn ai nấy rút về. Mà hình như đúng như vậy, "hợp" hay "hạp" là khái niệm vô hình và không bất biến. Có khi hôm nay còn "hạp" nhau mà ngày mai lại khác. Hợp tác là cùng nhau góp vào, cùng nhau chia ra, nhưng phải đảm bảo công bằng dựa trên nguồn vốn, công sức. Hợp tác là sự chia sẻ để nhân lên giá trị rồi phân chia giá trị đó sao cho công bằng. Nhưng ngay khái niệm "công bằng" đôi khi cũng mơ hồ do nhiều yếu tố tác động đến.
Con người dễ có cảm xúc mình bị thua thiệt và không muốn thua thiệt. "Đồng tiền liền khúc ruột" mà. Muốn hùn hạp, hợp tác bền vững thì mỗi thành viên đôi khi phải biết làm bài toán trừ trước khi muốn có bài toán cộng, biết làm bài toán chia trước khi muốn có bài toán nhân. Hợp tác không chỉ là góp vốn góp công mà là góp niềm tin, là sự sẻ chia, là sự đồng điệu, có đồng điệu thì "nhiều tay vỗ nên kêu".
Hợp tác xã là một thiết chế kinh tế nhưng nền tảng bền vững lại mang yếu tố tâm lý xã hội, tâm trạng con người. Hiểu rõ điều đó để không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay vì chỉ tiêu thành tích mà áp đặt. Ngược lại, để người nông dân tự nguyện đòi hỏi sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo, ngành chuyên môn, doanh nghiệp, chuyên gia phát triển cộng đồng, cán bộ khuyến nông.
Muốn có được những chữ "tự nguyện" đó, thì cần phải kiên trì thuyết phục để bà con hiểu và tự quyết định. Phải thuyết phục bằng ngôn ngữ đời thường của bà con, "chia sẻ" chứ không phải "rao giảng", "thuyết phục" chứ không "áp đặt".
Làm bất kỳ công việc gì mà nhận ra giá trị càng cao thì càng có nhiều động lực. Ngược lại, làm theo kiểu có cũng được mà không có cũng chẳng mất gì thì dễ bỏ cuộc, rồi sẽ tìm cách biện minh. Nào là do ý thức của người dân. Nào là do cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh. Nào là thiếu nhân lực lại chồng chéo trong quản lý. Khi biện minh thì sẽ lúng túng trong tìm ra giải pháp. Nếu đo lường chất lượng thông qua kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận bằng cổ tức dựa trên vốn góp thì khác nào là một doanh nghiệp cổ phần. Quan trọng hơn kết quả kinh doanh chính là lợi ích Hợp tác xã mang lại cho thành viên. Quan trọng hơn nữa là nền tảng cho sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp.
Mỗi lần đi thăm hợp tác xã thấy thật ấm áp. Từ những người quen với nếp nghĩ "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm", bây giờ xúm xít bên nhau, hợp tác làm ăn là cả một quá trình thay đổi nhận thức. Dẫu biết "vạn sự khởi đầu nan", hành trình phía trước còn khó khăn. Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả mà đó là một hành trình sẽ có nhiều thách thức.
Nhưng suy cho cùng, thách thức lớn nhất là không nhận ra giá trị của sự thay đổi đó! Nhiều thành viên hợp tác xã tâm sự: "Hình như chúng tôi đang bị bỏ quên, thì đó, khi tổ chức hội nghị thành lập thì đông đủ từ cấp tỉnh đến cấp xã xôm tụ lắm, nhưng rồi hình như quên dần, xa dần?". Nghe sao thật đắng lòng!
Thành lập hợp tác xã như một đứa trẻ mới sinh ra, để trưởng thành với thân thể cường tráng, tinh thần minh mẫn, luôn cần người đồng hành trên từng bước đi. Đâu chỉ đào tạo một lần cho lãnh đạo, thành viên Hội đồng quản trị, kế toán, kiểm soát viên là coi như xong. Phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng cho tất cả thành viên hợp tác xã để không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Phải thường xuyên thông tin cho hợp tác xã về nhu cầu và những quy tắc của thị trường muốn hướng đến. Phải giúp thành viên biết phân tích tình huống rủi ro thị trường và ứng xử như thế nào khi rủi ro đó xảy ra.
Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, hợp tác xã là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Một khi hợp tác xã vận hành tốt sẽ làm nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn. Khi ấy, sẽ tạo ra giá trị gia tăng trong nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập tăng thêm cho nông dân.
Luật Hợp tác xã sửa đổi đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cơ chế chính sách hỗ trợ rồi dần sẽ được mở ra dựa theo nguồn lực đất nước và năng lực quản trị của từng hợp tác xã. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cách thức tổ chức thực hiện của cả hệ thống. Muốn tổ chức thực hiện suôn sẻ phải thống nhất nhận thức về bản chất, mục tiêu, triết lý của hợp tác xã.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.