Các nguồn tin ban đầu cho biết việc FBI hôm 8/8 bất ngờ khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Donald Trump có liên quan đến cuộc điều tra về việc cựu tổng thống cố ý mang các tài liệu chính phủ, bao gồm tài liệu mật, ra khỏi Nhà Trắng.
Ông Trump được cho là chuẩn bị tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Nếu bị buộc tội, ông có khả năng bị cấm trở lại Nhà Trắng hoặc tham gia vào bất kỳ cơ quan liên bang nào.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi trong bộ luật này, và vì vậy liệu bộ luật có ngăn cản được ông trở lại đường đua vào Nhà Trắng hay không vẫn là điều chưa chắc chắn, theo New York Times.
Luật bảo vệ tài liệu chính phủ
Cụ thể, luật được đề cập - Mục 2071, Điều 18 của Bộ luật Mỹ - truy tố hình sự với những ai cố ý “cố ý che giấu, xóa bỏ, cắt xén, hủy hoại, làm sai lệch hoặc tiêu hủy” tài liệu của chính phủ một cách bất hợp pháp.
Nếu bị kết án, bị cáo có thể bị phạt tiền hoặc bị kết án tù đến ba năm. Ngoài ra, luật quy định nếu người phạm tội đang làm việc trong một cơ quan liên bang, thì người này sẽ bị “tước bỏ” chức vị và bị “tước quyền đảm nhiệm thêm bất kỳ chức vụ nào” thuộc chính quyền liên bang.
Về mặt lý thuyết, nếu ông Trump bị buộc tội và bị kết án cố loại bỏ, che giấu hoặc phá hủy hồ sơ chính phủ theo luật đó, thì ông có thể sẽ không đủ tư cách để tái tranh cử tổng thống.
Chính điều này dường như đã dẫn đến phản ứng giận dữ của ông Trump khi gọi hành động của FBI là "hành vi sai trái của cơ quan tố tụng" và "sự vũ khí hóa hệ thống tư pháp" để ngăn ông tái tranh cử vào Nhà Trắng vào năm 2024.
Chưa rõ ràng
Luật này đã được xem xét chặt chẽ trong thời gian ngắn vào năm 2015 khi tính đến trường hợp của bà Hillary Clinton khi đó. Bà Clinton - thời điểm đó được dự đoán sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016 - đã sử dụng một email cá nhân để thực hiện các công việc của chính phủ trong khi bà còn là ngoại trưởng.
Ông Trump, người từng vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi đó cũng đã chỉ trích bà Clinton về vấn đề này.
Một số đảng viên Cộng hòa đã khi đó đã đặt vấn đề về việc liệu luật này có thể ngăn bà Clinton bước vào ngưỡng cửa Nhà Trắng hay không. Một trong số đó có Michael Mukasey, cựu Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền George W. Bush.
Tuy nhiên, khi xem xét tình huống cụ thể, một số học giả về pháp lý - bao gồm Seth B. Tillman của Đại học Maynouth ở Ireland và Eugene Volokh của Đại học California, Los Angeles - lưu ý rằng hiến pháp đặt ra các tiêu chí để một người có thể trở thành tổng thống, và lập luận rằng quy định Tòa án Tối cho thấy quốc hội không thể thay đổi chúng.
Hiến pháp cho phép quốc hội bãi nhiệm các quan chức bị luận tội, nhưng không trao quyền như vậy đối với người vi phạm luật hình sự thông thường.
Ông Volokh sau đó cho biết trên blog của mình rằng ông Mukasey đã viết rằng bản thân đã nhầm lẫn, và phân tích của ông Tillman đã “đúng”. Bà Clinton chưa bao giờ bị buộc bất kỳ tội danh nào liên quan đến việc sử dụng email riêng.
Nhắc lại vụ việc trên khi chỉ trích hoạt động của FBI hôm 8/8, cựu Hạ nghị sĩ Jason Chaffetz, từng là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách của Hạ viện Mỹ, khẳng định rằng FBI chưa bao giờ khám xét nhà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi điều tra vụ bà sử dụng email cá nhân.
Luật sư đảng Dân chủ Marc Elias - người từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton - ban đầu đã trích dẫn luật trên và nói rằng đây là lý do “mà vụ khám xét có khả năng trở thành một vụ việc bom tấn trong chính trường Mỹ”.
Trong một bài đăng khác trên Twitter, ông nhận định rằng dù ông Trump có bị kết tội theo Mục 2071, việc này cuối cùng có thể không ngăn cản được ông chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa. Tuy nhiên, ông tin rằng vẫn sẽ có một cuộc chiến pháp lý quan trọng nổ ra trong trường hợp đó.
“Vâng, tôi nhận ra thách thức pháp lý mà một tổng thống có thể phải gánh chịu nếu xem xét luật này. Nhưng tình huống mà trong đó một ứng cử viên sẽ phải tranh tụng về điều này trong khi đang chạy chiến dịch tranh cử là một ‘bom tấn trong chính trị Mỹ’ theo quan điểm của tôi”, ông viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.