Vướng giải phóng mặt bằng, cầu hơn 14 tỷ đồng ở Cà Mau vẫn chờ đường dẫn

Hoàng Hạnh Thứ sáu, ngày 02/08/2024 15:30 PM (GMT+7)
Công trình xây dựng cầu Ngã tư Công Nghiệp, thuộc xã Tân Hải do Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư trị giá hơn 14 tỷ đồng, song hiện tại, cây cầu này vẫn còn đang “nằm” chờ đường dẫn do vướng mặt bằng.
Bình luận 0

Thời gian qua, người dân ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bức xúc vì Nhà nước bỏ ra nguồn vốn hơn chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu Ngã tư Công Nghiệp, nối 2 ấp Đầu Sấu và ấp Kết Nghĩa thuộc xã Tân Hải, nhằm phục vụ cho việc đi lại của bà con. Song cho đến nay, cây cầu này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

"Cây cầu xây dựng tiền tỷ như thế nhưng bên kia cầu thuộc ấp Kết Nghĩa chưa có đường dẫn, nên hiện tại cây cầu này có cũng như không", một người dân nói trong bức xúc.

Vướng giải phóng mặt bằng, cầu hơn 14 tỷ đồng ở Cà Mau vẫn chờ đường dẫn- Ảnh 1.

Cầu Ngã tư Công Nghiệp do Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Tân làm chủ đầu tư, với nguồn vốn hơn 14 tỷ đồng, song đến nay cây cầu tiền tỷ này đang "nằm" chờ đường dẫn. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo tìm hiểu của phóng viên, cầu Ngã tư Công Nghiệp được khởi công xây dựng vào tháng 8/2022, do Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Tân làm chủ đầu tư, với nguồn vốn hơn 14 tỷ đồng…

Lý giải việc cây cầu chưa thể sử dụng, ông Nguyễn Công Tuyển – Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Tân cho biết, phần cầu chính được thi công hoàn chỉnh vào năm 2023, nhưng còn vướng mặt bằng của hộ dân nên chưa làm được đường dẫn.

Theo đó, ông Phạm Tiến Lộc, ngụ ấp Kết Nghĩa, xã Tân Hải là hộ dân có phần đất gần 2.000 m2 bị thu hồi để xây dựng công trình, nhưng hiện tại, ông Lộc chưa chấp nhận với phương án bồi thường đất.

Vướng giải phóng mặt bằng, cầu hơn 14 tỷ đồng ở Cà Mau vẫn chờ đường dẫn- Ảnh 2.

Để vào ấp Kết Nghĩa, xã Tân Hải, người dân phải đi qua cây cầu sắt đã xuống cấp, rồi vòng theo con đường nhỏ dưới chân cây cầu hơn 14 tỷ đồng này để đi. Ảnh: Thái Nguyễn

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Tân, trước khi dự án triển khai, địa phương có vận động hộ dân giao mặt bằng trước (có biên bản), chủ hộ thống nhất cho thi công. Tuy nhiên, trong quá trình làm thì chủ hộ không thống nhất về phương án bồi thường.

"Tiền bồi thường cho hộ dân này là hơn 900 triệu đồng", ông Tuyển nói và cho biết, việc bồi thường là theo quy định của Nhà nước.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Lộc cho biết, gần 2.000 m2 đất của ông bị thu hồi được tính bồi thường 960 triệu đồng, nhưng ông không đồng ý, vì trong phần phần đất này có đến 400 m2 đất thổ cư được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 1995.

"Tôi yêu cầu được bồi thường 1,5 tỷ đồng cho phần đất bị thu hồi nhưng chưa được chấp nhận, nên tôi tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết", ông Lộc nói và cho biết, ông chỉ không đồng ý với giá bồi thường, nhưng chấp nhận giao đất để xây dựng công trình.

Trong khi đợi chủ đầu tư làm đường dẫn để lưu thông qua cầu Ngã tư Công Nghiệp, thì người dân 2 ấp Đầu Sấu và Kết Nghĩa của xã Tân Hải phải chấp nhận đi lại trên cầy cầu sắt cũ đã xuống cấp, tìm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem