Hack 1.000 tài khoản facebook, chiếm đoạt 10 tỷ đồng đối diện với khung hình phạt nào?
Hack 1.000 tài khoản facebook, chiếm đoạt 10 tỷ đồng đối diện với khung hình phạt nào?
Phi Long
Thứ năm, ngày 19/09/2024 07:41 AM (GMT+7)
Cơ quan Công an đã xác định từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm Hiếu và Quốc đã hack hơn 1.000 tài khoản facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.
Ngày 17/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Cao Văn Hiếu (sinh năm 1996) và Mai Thanh Quốc (sinh năm 1998) cùng trú huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 13/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng tiếp nhận tin báo của một công dân về việc bị kẻ gian mạo danh người thân đang ở nước ngoài liên lạc qua mạng xã hội đề nghị góp tiền đầu tư, sau đó chiếm đoạt số tiền 750 triệu đồng.
Qua điều tra, Công an Đà Nẵng xác định các đối tượng gây án đang ẩn náu tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến 0h ngày 17/9, lực lượng Công an bất ngờ đột kích, khống chế bắt giữ hai đối tượng là Cao Văn Hiếu và Mai Thanh Quốc, thu nhiều vật chứng có liên quan đến hoạt động tội phạm.
Theo đó, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã hack Facebook của những người Việt sinh sống ở nước ngoài. Sau đó, dùng những Facebook này nhắn cho người thân của họ ở trong nước để chào mời, dụ dỗ góp tiền đầu tư chứng khoán, tiền số...
Tại cơ quan công an, bước đầu Hiếu và Quốc đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Để che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng tài khoản game để rửa tiền, tránh việc truy vết theo dòng tiền đã chiếm đoạt được.
Cơ quan công an xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm Hiếu và Quốc đã hack hơn 1.000 tài khoản Facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng tiếp tục tổ chức truy xét các đối tượng có liên quan, phong tỏa các tài khoản ngân hàng, làm rõ nguồn tiền đối tượng chiếm đoạt để phục vụ công tác điều tra.
Theo Luật sư Hoàng Anh Sơn, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định như sau:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tái phạm nguy hiểm;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, hành vi Hack 1.000 tài khoản facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn có thể bị phạt tù với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, xác minh nếu cơ quan điều tra phát hiện các đối tượng trên có dấu hiệu của tội rửa tiền thì các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội rửa tiền. Theo quy định tại điều 324 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, phạm tội có thể chịu mức phạt tù lên đến 15 năm.
Ngoài ra, áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội rửa tiền như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.