Đây là cây cầu được làm thủ công, với chiều dài 78m, mặt cầu được làm bằng các cây mét đặt song song với nhau, bên dưới được đỡ bằng những khúc mét và buộc những sợi dây bì xác rắn. Do làm thủ công nên bà con phải thường xuyên sửa chữa bằng cách tự thay những cành cây mới vào những chỗ mặt cầu bị gãy, mục.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-03-12/1434684364-62_10_cau-treo.jpg) |
Học trò qua sông trên cầu tre tạm bợ. |
Trưởng bản Khe Ngậu Trương Văn May chia sẻ: “Hàng ngày, 170 em học sinh từ tiểu học đến THPT trong bản đều phải qua cầu nổi này thì mới đến được trường. Vào mùa lũ, lụt rất nhiều em phải nghỉ học vì nước lũ dâng cao và chảy xiết, cầu tạm thì bị cuốn trôi, còn đò không đưa các em sang bên kia được… Chúng tôi rất mong muốn có được một cây cầu khác chắc chắn hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên không biết đến khi nào mới được xây dựng lại một cây cầu khác. Người dân chúng tôi đang rất lo bởi mùa mưa đang đến, nước lũ tràn về khi đó thảm hoạ thật khó lường”.
Được biết, tháng 10.2006, bản Khe Ngậu đã được đầu tư 474 triệu đồng để xây dựng chiếc cầu treo, sau hơn 3 tháng xây dựng, đầu năm 2007 đưa vào sử dụng. Nhưng đến tháng 5.2011 do lũ lụt, cây cầu lại bị cuốn trôi. Người dân trong bản phải làm chiếc cầu tạm để đi lại từ đó đến nay.
Hiện mỗi ngày có tới hàng trăm người dân, học sinh bản Khe Ngậu và các vùng lân cận qua sông Lam trên chiếc cầu tre nổi tạm bợ. Với tình trạng này không biết bao giờ người dân và các em học sinh nơi đây mới có một cây cầu thực sự an toàn để đi.
Tiến Dũng - Trường Khuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.