Trục phát triển mới của Thủ đô
Cùng với sự phát triển về kinh tế và dân số, thời gian gần đây hạ tầng đô thị tại Hà Nội đã có bước tiến vượt bậc. Các quận huyện như Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... đã thay lớp áo mới với những khu đô thị hiện đại và hệ thống giao thông đồng bộ.
Đông Anh đang hút nhiều dự án đầu tư lớn do việc kết nối vào trung tâm Hà Nội ngày một dễ dàng.
Làn sóng đô thị hóa cũng đang lan dần tới khu vực Đông Bắc Hà Nội khi Đông Anh thu hút được nhiều dự án nổi bật. Cụ thể, hồi giữa tháng 6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua đồ án quy hoạch khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5.000 tại Đông Anh (các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm và Xuân Canh). Trước đó, tháng 10/2019, dự án Thành phố Thông minh có vốn đầu tư 4,138 tỷ USD cũng đã chính thức khởi công trên diện tích 272 ha tại các xã: Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh, với điểm nhấn là tòa tháp tài chính cao 108 tầng.
Với kế hoạch nâng cấp lên quận trong vài năm tới, Đông Anh đang là điểm sáng hút đầu tư của thành phố, trở thành “tổ” mới hút nhiều “đại bàng” là các chủ đầu tư lớn. Trong đó phải kể đến 2 dự án trọng điểm là Công viên giải trí Kim Quy do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư và Trung tâm triển lãm quốc gia do Vingroup phát triển.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc quỹ đất tại Đông Anh nói riêng và khu vực Đông Bắc Hà Nội nói chung còn dồi dào, phù hợp để phát triển các dự án tầm cỡ, hiện đại và đồng bộ, lại nằm ở vị trí cửa ngõ chiến lược, chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10km, thì các chính sách, quy hoạch của địa phương cũng là nguyên nhân khiến khu vực này vào "tầm ngắm" của các nhà đầu tư lớn, từ đó đưa Đông Bắc dần trở thành khu vực phát triển mới của Hà Nội.
Tuy nhiên điểm nghẽn của khu vực này chính là việc kết nối vào trung tâm Thủ đô qua sông Hồng còn khó khăn. Bên cạnh các cây cầu đã được xây dựng như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, dự án cầu Tứ Liên sắp tới sẽ trở thành “át chủ bài” quan trọng kết nối khu vực Đông Anh thẳng tới hồ Tây và trung tâm chính trị Ba Đình theo tuyến đường ngắn nhất.
Dự án cầu Tứ Liên, cây cầu dài bậc nhất bắc qua sông Hồng, được kỳ vọng sẽ tạo nên trục phát triển mới kết nối từ trung tâm Thủ đô tới Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài, mở ra cơ hội phát triển về hạ tầng đô thị, bất động sản, thương mại không chỉ cho khu vực Tây Hồ - Đông Anh mà cả khu vực các tỉnh phía Bắc Thủ đô.
Cầu Tứ Liên sẽ kết nối trung tâm Thủ đô tới Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài
"Cú hích" cầu Tứ Liên
Theo đề án của thành phố Hà Nội, Đông Anh là một trong 4 huyện được định hướng lên quận đến năm 2025. Để làm được việc này, Đông Anh không chỉ cần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa mà còn phải phát triển đồng bộ cả về hạ tầng giao thông.
Bởi vậy, việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án kiến trúc cầu Tứ Liên - dự án nổi bật nhất trong 4 dự án xây dựng cầu mới bắc qua sông Hồng, sông Đuống vừa qua được coi là một cú hích cho tiến trình phát triển đô thị của Đông Anh và khu vực Đông Bắc Hà Nội.
Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh. Trong đó, bờ phía Tây hiện là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là đường vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương.
Với thiết kế độc đáo, cầu Tứ Liên sẽ trở thành một biểu tượng mới của Thủ đô.
Việc hình thành cầu Tứ Liên sẽ giúp giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông cho tuyến đê Âu Cơ – Nghi Tàm và các tuyến đường từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc; đồng thời, người dân và nhà đầu tư cũng có thêm lựa chọn, kết nối dễ dàng với sân bay quốc tế Nội Bài từ trung tâm Hà Nội, bên cạnh 2 tuyến đường cũ là cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân.
Cầu Tứ Liên khi hình thành sẽ góp phần hoàn thiện bức tranh giao thông Thủ đô, đặc biệt là mạng lưới cầu bắc qua sông Hồng, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển đô thị Hà Nội sang phía Đông Bắc, góp phần thu hút và đẩy nhanh quá trình đầu tư, xây dựng các dự án lớn tại khu vực nhiều tiềm năng này.
Đáng chú ý, kiến trúc độc đáo của cây cầu hứa hẹn sẽ đưa nơi đây trở thành 1 trong những biểu tượng mới của Thủ đô năng động. Cụ thể, cầu được thiết kế là cầu dây văng, 2 hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của 4 con rồng đang từ mặt nước bay vút lên trời cao, kết hợp với hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân rồng đang bắn tung ra. Ý tưởng này gắn chặt với tên gọi Thăng Long – Hà Nội, với ý nghĩa mảnh đất rồng bay lên.
Ở một góc nhìn khác, 2 trụ cầu chính của cầu Cầu Tứ Liên hiện lên mềm mại như 2 chú chim bồ cầu nhỏ đang chao liệng trên dòng sông Hồng – dòng sông Mẹ gắn liền với lịch sử thăng trầm của Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.