Cây ăn trái vùng ĐBSCL đối mặt với đất phèn, chuyên gia chỉ ra cách ứng phó

Quang Sung Thứ năm, ngày 10/08/2023 14:55 PM (GMT+7)
Cây ăn trái vùng ĐBSCL đang đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặn. Nhiều nông dân chuyển trồng cây ăn trái trên đất phèn. Tuy nhiên, đây là “cuộc chơi” mạo hiểm và cần có giải pháp phù hợp.
Bình luận 0

Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL, nông dân có xu hướng cố gắng trồng cây ăn trái tại các vùng đất nhiễm phèn. Tuy nhiên, đất phèn không phải là loại đất thích hợp cho cây ăn trái, do đó canh tác cây ăn trái trên nền đất này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trồng cây ăn trái trên đất phèn là “cuộc chơi” mạo hiểm

Trao đổi với Dân Việt, TS.Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, tình trạng nông dân ĐBSCL phát triển cây ăn trái trên vùng đất phèn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chưa có một quy chuẩn cụ thể cho việc canh tác cây ăn trái trên đất phèn được công bố.

Cây ăn trái vùng ĐBSCL đối mặt với đất phèn và nhữn giải pháp chủ động - Ảnh 1.

TS Võ Hữu Thoại – Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thừa nhận tình trạng nông dân có xu hướng trồng cây ăn quả trên đất phèn. Ảnh: Quang Sung

“Hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào cụ thể về phân bón cho cây ăn quả vùng đất phèn. Nhìn nhận thực tế, nên chúng tôi đang nỗ lực kết hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau nghiên cứu phân bón dành riêng cho cây ăn quả ở vùng đất phèn. Hy vọng công trình này thời gian tới sẽ có kết quả tốt, qua đó khuyến cáo, giúp bà con bước đầu canh tác được hiệu quả hơn”, TS Thoại cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, thực trạng nông dân truyền nhau trồng cây ăn trái trên đất phèn là đáng báo động. Những người làm công tác chuyên môn cần kịp thời tuyên truyền, cung cấp kiến thức để nông dân không gặp những hệ quả xấu.

Chia sẻ tại "Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL" diễn ra tại TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) mới đây, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết, cây ăn quả có thể canh tác trên đất phèn nếu tuân thủ những nguyên tắc về đất, nước và dinh dưỡng.

“Trồng cây trên đất phèn chúng ta có thể dùng phương pháp lên liếp. Khi lên liếp đôi phải có rãnh thoát nước giữa liếp và những rãnh xương cá để thoát phèn trong đất. Bờ bao khu vườn cần có hai cống điều tiết nước (một cống vào, một cống ra - PV) đối diện nhau, để có thể rửa trôi phèn hiệu quả. Những mương nước của vườn cây ăn trái phải được khai thông, nước được điều tiết để rửa phèn”, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho hay.

Cây ăn trái vùng ĐBSCL đối mặt với đất phèn và nhữn giải pháp chủ động - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cung cấp thông tin tại hội thảo "Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL" ngày 10/8. Ảnh: Quang Sung.

Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ còn cho biết, đối với vườn cây ăn trái trên đất phèn cần bón vôi cải tạo đất, giảm chua. Nông dân không nên bón phân có nhiều lưu huỳnh làm đất chua thêm. Đối với thảm cỏ trong vườn, cần cắt tỉa gọn, không sử dụng thuốc trừ sâu làm sạch cỏ hoàn toàn.

Bón phân đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trao đổi về thách thức đối với việc trồng cây ăn trái tại vùng ĐBSCL, TS Võ Hữu Thoại nhìn nhận, hiện nay biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động không nhỏ, nhất là ở vùng ĐBSCL. Hiện tượng xâm nhập mặn đang ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp.

Cây ăn trái vùng ĐBSCL đối mặt với đất phèn và nhữn giải pháp chủ động - Ảnh 4.

Nông dân cần được cung cấp đầy đủ kiến thức về canh tác cây ăn trái trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Ảnh: T.D

“Từ thực trạng trên, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam có nghiên cứu xây dựng quy trình phục hồi vườn cây ăn quả sau hạn mặn; nghiên cứu gốc ghép chống chịu hạn mặn được khoảng 8‰. Gốc ghép chỉ chống chịu chứ không hoàn toàn phù hợp đất nhiễm mặn. Ví dụ vùng đó chỉ bị mặn 1-2 tháng có thể chống chịu được, còn mặn quanh năm thì không thể”, TS Thoại nói.

Về vấn đề bón phân cho cây ăn quả, TS Thoại cho biết, xu hướng hiện nay là sử dụng phân bón NPK chuyên dùng. Loại phân này dễ bón, tiết kiệm công lao động, chi phí và dễ bảo quản.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) canh tác vườn thanh long 2.000m2. Từ năm 2021 đến nay chị đã chuyển sang dùng phân NPK chuyên dùng của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Kết quả cho thấy, nếu trước đây bón theo cách truyền thống, vườn chị Vân đạt năng suất 9,16 tấn/vụ; hiện nay, vườn chị Vân cho năng suất 10 tấn/vụ.

Cây ăn trái vùng ĐBSCL đối mặt với đất phèn và nhữn giải pháp chủ động - Ảnh 5.

Thanh long là cây trồng đang thích nghi với việc dùng phân bón NPK chuyên dụng có công nghệ polyphosphate. Ảnh: N.T

Tương tự, tại vườn thanh long của anh Châu Văn Quý (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) việc chuyển sang bón phân NPK chuyên dụng giúp thu lợi nhuận cao. Cùng diện tích, trước đây vườn anh Quý chỉ thu 17 tấn trái/vụ, lợi nhuận đạt 36 triệu đồng. Hiện nay, vườn anh Quý mỗi vụ đạt 19 tấn trái/vụ, thu lợi 56 triệu đồng.

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, hiện nay ngành nông nghiệp và các chuyên gia phải nỗ lực, tìm giải pháp để giúp người nông dân giảm lượng phân bón trong canh tác. Qua đó giúp họ tiết kiệm chi phí, giảm thoái hóa đất, duy trì và phát triển một ngành nông nghiệp có tính bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem