Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), do sản lượng sụt giảm bởi hạn hán nên giá cà phê trong nước vẫn đang tiếp tục đà tăng từ nhiều tháng nay. Cụ thể, so với cuối tuần trước, giá cà phê vối nhân xô bán buôn tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.200 – 1.700 đồng/kg lên mức 43.200 – 43.500 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM tăng 76 USD/tấn lên 1.965 USD/tấn.
Nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề bởi khô hạn. Ảnh: I.T
Mọi năm, ở Gia Lai vào thời điểm này thời tiết thường nắng ráo, rất thuận lợi cho việc thu hoạch cà phê. Thế nhưng năm nay, khu vực này lại liên tục mưa nhiều kèm theo sương mù dày đặc, khiến bà con nông dân không thu hoạch được cà phê đúng vụ, chất lượng cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này có thể làm xấu đi chất lượng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo VIFOCA, báo động nhất hiện nay trong ngành cà phê là tình trạng chặt phá cà phê để chuyển đổi sang cây trồng khác, khiến diện tích cà phê giảm mạnh. Hiện hầu hết diện tích cà phê ở Tây Nguyên bước vào thời kỳ lão hóa, năng suất, sản lượng thấp, lợi nhuận không cao. Trong khi đó, giá hồ tiêu vẫn liên tục giữ ở mức cao và tình trạng trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng vào vườn cà phê đang lan rộng. Những cây trồng này lại có lợi nhuận cao hơn cà phê nên được nông dân dần lựa chọn. Tình hình này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển cây cà phê bền vững trong tương lai.
Tại Cư Kuin (Đăk Lăk), những năm trước toàn huyện có khoảng 1.200ha hồ tiêu, năm nay tăng lên hơn 1.500ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, diện tích tiêu của tỉnh sẽ không dừng lại ở con số 5.700 - 5.800ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000ha. Các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn các huyện Ea HLeo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300 – 400ha.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước sau Đăk Lăk, với gần 145.000ha. Mặc dù giá cà phê đang tăng mạnh, song loại cây này vẫn tiếp tục bị thất sủng khi hiệu quả kinh tế mà bà con thu được vẫn không cao bằng hồ tiêu.
Theo VICOFA, việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên đang trở thành mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững cây cà phê tại đây. Sở NNPTNT Đăk Lăk cho biết, tỉnh đã và đang thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, với một số chỉ tiêu cụ thể như duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ… Tuy nhiên, việc thực hiện đề án không đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, trong khi ngành nông nghiệp không thể “cấm” bà con chuyển đổi cây trồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.