Lão nông “tiên phong” trồng cà phê VietGAP

Quốc Hải Thứ năm, ngày 30/06/2016 19:00 PM (GMT+7)
Quy trình trồng cà phê theo hướng VietGAP khá khó khăn và rắc rối, chi phí ban đầu cũng cao hơn so với sản xuất cà phê theo lối truyền thống. Dù vậy, lão nông Vũ Văn Pháp vẫn quyết tâm áp dụng mô hình này và còn lập nên tổ liên kết sản xuất cà phê VietGAP (với hơn 100 hộ gia đình).
Bình luận 0

Quan điểm của ông Pháp rất rõ ràng, cà phê sản xuất ra để con người uống nên phải đảm bảo an toàn nhất, còn chi phí sản xuất dù có tăng hơn nhưng giá thành sẽ bù lại và tương lai đây chắc chắn sẽ là mô hình bền vững của ngành sản xuất cà phê…

Học từ báo Nông Thôn Ngày Nay

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Vũ Văn Pháp (sinh năm 1957, thôn Thanh Hương 2, xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đang “đóng bộ” chuẩn bị ra rẫy để mở hệ thống tưới tự động cho vườn cà phê. Quy trình này chưa tới 10 phút. Chỉ vào từng dòng nước trong vắt phun ra từ vòi tưới tự động trải khắp vườn, ông Pháp tự hào bảo đầu tư cho hệ thống này tốn lắm nhưng được cái nó giúp cây cà phê không bị “kiệt sức” trong mùa hạn…

img

Ông Pháp kiểm tra nhiệt độ lò hơi của hệ thống lò sấy cà phê không đảo trộn.  Ảnh: Q.H

Hiện tại, nhiều nông dân từ Đăk Lăk, Đăk Nông và các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã đến tham quan   mô hình máy sấy cà phê 2 mặt của ông Pháp để về áp dụng. Và đã có khoảng 120 chiếc lò sấy theo công nghệ của lão nông này được nhân rộng ra khắp các tỉnh Tây Nguyên”.

Ông Lê Viết Thống - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc 

Theo ông Pháp, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí ban đầu tốn kém hơn, chủ yếu là áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân theo một quy trình rất ngặt nghèo. Đầu tiên, thay vì hái quả già đồng loạt như trước, gia đình ông và các thành viên trong tổ liên kết phải tiến hành thu hoạch đến 2, 3 lần bởi phải đợi vườn cà phê chín đồng loạt nên tốn nhiều nhân công hơn.

“VietGAP quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến vườn cây như mua phân ở đâu, chủng loại, bón như thế nào, bón bao nhiêu. Còn thuốc bảo vệ thực vật thì cần phải chẩn đoán đúng loại sâu bệnh, từ đó xác định loại thuốc cần sử dụng. Thuốc phải được kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, sau khi dùng hết thì thu gom vỏ, bao bì để bảo vệ môi trường… Khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng, sau khi thu hoạch sản phẩm đạt trên 80% quả chín, phải phơi cho hạt cà phê đạt độ ẩm 13%, sàng lọc tạp chất sao cho còn khoảng 1% rồi mới đóng bao cất vào kho” - ông Pháp chia sẻ.

Theo tính toán của lão nông Vũ Văn Pháp, mô hình này có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn 10-20%, song bù lại năng suất, chất lượng lại tăng hơn 30% so với trước nên thu nhập của các thành viên trong tổ hợp tác cải thiện rất rõ rệt.

Nghe ông nói thao thao về quy trình trồng theo hướng VietGAP, chúng tôi thắc mắc ông học kinh nghiệm ở đâu, ông chỉ cười tủm tỉm: “Tôi học cách trồng trên mạng và từ báo Nông Thôn Ngày Nay đấy”. Hóa ra, ông đọc báo hàng ngày vì ông còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh. Đây cũng là một điều bất ngờ bởi khi giới thiệu mô hình sản xuất cà phê VietGAP đầu tiên và duy nhất của vùng đất B’Lao (Bảo Lộc), phía khuyến nông cũng chỉ giới thiệu ông là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất này mà không nói gì về chức vụ ông đảm nhiệm.

Câu chuyện càng dễ dàng hơn khi biết ông là “người nhà”. Ông bảo, hiện thành viên trong tổ liên kết gồm 100 hộ (thành lập từ năm 2013) và làm hợp đồng sản xuất cà phê VietGAP cho Công ty Noble Việt Nam. Theo đó, các thành viên trong tổ liên kết sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế phun thuốc theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Về phía Công ty Noble Việt Nam cũng thường xuyên giám sát và tổ chức hội nghị đầu bờ để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong tổ…

“Khi sản phẩm đã đạt được tất cả các tiêu chí trên, vấn đề đầu ra lúc này hết sức đơn giản, Công ty Noble Việt Nam sẽ đến tận rẫy thu mua với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg tại bất kỳ thời điểm nào. Hiện tại, tổ sản xuất có thể cung ứng hàng năm cho công ty lên tới 810 tấn cà phê” - ông Pháp nói.

Nếu giá thành chỉ cao hơn 1.000 đồng/kg mà chi phí đội lên do khâu thu hoạch và phơi phóng phải tốn nhiều nhân công thì sao có lời so với cách canh tác truyền thống? - chúng tôi hỏi. Ông Pháp chỉ cười và bảo, mấy anh đi theo tôi sẽ biết…

Nhà khoa học… chân đất

img

Bằng khen của ông Vũ Văn Pháp khi đóng góp 67 triệu đồng và hiến 1.000m2 đất mặt tiền để
xây dựng đường giao thông nông thôn.  Ảnh: Q.H

Dẫn chúng tôi ra ngay sau vườn nhà, ông Pháp mở cửa nhà kho giữa vườn và chỉ vào “bí quyết” làm giảm giá thành sản xuất của gia đình: Chiếc lò sấy cà phê không đảo trộn do chính ông mày mò sáng chế ra. Gọi là lò sấy nhưng lại được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Theo đó, dây chuyền của lò sấy cà phê gồm: Một lò đốt, lò chứa hơi nóng, hệ thống cánh quạt và buồng sấy. Đường kính cánh quạt dài 90cm dùng để hút hơi nóng vào buồng sấy. Buồng sấy được chia làm 2 ngăn. Phía dưới của ngăn dưới có 2 lỗ dùng để thoát hơi khi sấy mặt trên. Nguyên liệu đốt là vỏ hoặc cành cà phê. Thời gian sấy khô 1,7 tấn cà phê nhân là 17 giờ. Trong đó, 7 giờ sấy ở mặt dưới, 7 giờ sấy ở mặt trên, 3 giờ còn lại để chỉnh sửa và hoàn thiện mẻ sấy. “Để phơi xong 1,7 tấn cà phê nhân bằng ánh nắng mặt trời, phải mất 2 tuần và tốn 4,5 triệu đồng tiền công. Nhưng với lò sấy cà phê 2 mặt của tôi, chỉ cần 1 người làm trong vòng 17 giờ là xong” - ông Pháp nói.

Ý tưởng sáng chế lò sấy cà phê không đảo trộn của ông Pháp bắt đầu hình thành từ năm 2008. Khi đó, nông dân xã Lộc Thanh đã sáng chế trên dưới 5 lò sấy cà phê (trong đó có lò sấy của ông), nhưng hàng ngày đưa vào sử dụng phải có thêm 4 công lao động dùng cào, xẻng... để đảo trộn mới khô hết lớp cà phê bên trên. Để giảm thấp nhất số nhân công làm việc trong lò sấy, ông Pháp đã mất mấy tháng để lên bản vẽ cải tiến dây chuyền hoạt động. Kết quả, bên cạnh 1 đường ống dẫn nhiệt xuống chiếc hầm ngầm sâu 1,2m, ông thiết kế thêm 1 đường ống dẫn nhiệt mới qua 5 ô cửa sổ, thổi vào giàn sấy (chiều cao 0,8m, chiều dài 5m, chiều rộng 4m) để sấy khô lớp cà phê bên trên. 2 đường ống này đều nối liền với bếp đốt vỏ cà phê thông qua hệ thống quạt để tiếp nhận “nhiệt lượng”. 

“Với khoảng 85 triệu đồng kinh phí xây dựng, mỗi lò vận hành sấy khô cà phê 1 ngày bằng 10 ngày phơi ngoài trời “nắng to” liên tục. Tính trung bình với 17 giờ hoạt động sấy 7,2 tấn cà phê tươi thành 1,7 tấn cà phê khô, lò sấy tiêu thụ khoảng 270.000 đồng tiền điện và 250.000 đồng tiền công lao động, tiết kiệm một khoản tiền đáng kể so với các phương pháp làm khô cà phê thông thường hiện nay” - ông Pháp tính toán.

Năm 2011, sáng chế “lò sấy cà phê không đảo trộn” của ông Pháp dự thi “Nhà nông sáng tạo tỉnh Lâm Đồng” đã đoạt giải Ba. Và kết thúc năm 2013, lò sấy ông Pháp tiếp tục đoạt giải Khuyến khích của Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Ông chia sẻ: “Tôi đâu phải nhà khoa học. Chỉ vì thấy bà con nông dân vất vả quá, nên cố làm thử. Sau nhiều lần đập đi làm lại, cuối cùng lò sấy cà phê cũng đã thành công…”.

Niên vụ 2015, gia đình ông Pháp thu được gần 160 tấn cà phê tươi, nhờ hệ thống sấy, ông chỉ mất hơn 1 tuần là làm xong tất cả. Thời gian còn lại, ông Pháp “rộng cửa” sấy cà phê tươi cho nông dân trong và ngoài xã Lộc Thanh. 

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem