Dứa là một trong những loại cây trồng mới, đang phát triển trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và được xem là một trong những cây ăn trái có thể bổ sung vào cơ cấu cây trồng tại một số vùng sản xuất của tỉnh trong thời gian tới.
Diện tích trồng dứa hiện khoảng 300ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng. Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều giống dứa nhưng được trồng phổ biến là giống dứa Queen. Loại dứa này cho năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha.
Lợi thế hiện nay của cây dứa là Tây Ninh đã có nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood. Đây là cơ hội cho người sản xuất dứa nếu ký kết được hợp đồng tiêu thụ với nhà máy giải quyết đầu ra ổn định.
Cây dứa thích có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Ảnh: Trần Nhi
Tuy nhiên, diện tích trồng dứa hiện nay của tỉnh chưa đủ đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Quy mô trồng còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung, gây khó khăn trong việc hình thành được vùng nguyên liệu chế biến.
Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trên cây dứa của bà con nông dân hiện còn đơn giản. Khâu vận chuyển gặp khó khăn do giao thông nội đồng chưa xây dựng hoàn chỉnh khiến trái dứa vận chuyển từ vườn về nhà máy dễ bị dập và thối.
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, khi sản xuất quy mô lớn cần mạnh dạn phát triển cơ giới hóa vì cây dứa có thể áp dụng cơ giới hóa trên nhiều khâu như bón phân, xử lý ra hoa, thu hoạch.
Dù mới được canh tác thử nghiệm trong vài năm gần đây song cây dứa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là loại cây trồng được khuyến khích phát triển nhằm thay thế các diện tích cho giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, sản phẩm dứa đã được nhà máy Tanifood ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ, đảm bảo được đầu ra cho nông dân. Ông Trong cho rằng, cần tiếp tục phát triển theo chuỗi sản phẩm và cụm ngành, tạo liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.