“Cây lạ” giúp Tà Ghênh thoát cái đói

Thứ tư, ngày 10/10/2012 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi đặt chân lên đất Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), những người lính của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ mang theo mấy cái “củi khô”, vậy mà giờ nó đã giúp bà con nơi đây thoát khỏi cái đói dai dẳng.
Bình luận 0

Câu chuyện của cái nghèo…

Ông Trang A Củ và thằng con trai nhỏ xíu, gầy còm ôm theo con chó đi chợ phiên. Lúc xuống đến nửa chừng con dốc Tà Ghênh, ông gặp bộ đội vác trên lưng một bó cây sần sùi, khòng kheo. Bất chợt ông lên tiếng trước:

- Ầy dà, chào bộ đội nhé. Tà Ghênh tao nhiều củi rồi mà…

- Là cây sắn đấy, không phải củi đâu ông Trang A Củ à - trung tá Hà Long Giang- Đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái) trả lời.

- Cây sắn gì? Người Mông bản tao sao không biết?

- Có cây sắn trên vùng đất này sẽ hết đói ngay thôi - anh Giang nói.

img
Bộ đội hỗ trợ bà con trong vụ thu hoạch sắn đầu tiên.

Là đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở, có nhiệm vụ đóng quân trên những vùng đất nghèo đói để hỗ trợ bà con cải thiện cuộc sống, tới vùng đất Tà Gênh, anh Giang rất buồn lòng khi thấy ở đây đất thì rộng vậy mà dân bản chỉ biết trồng đúng mỗi cây ngô. Chưa có một hộ nào ở đây một ngày đủ 2 bữa no. Đêm đến, nhiều mái nhà vang tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt vì đói.

Vì vậy, anh và đồng đội quyết định dừng lại đóng quân tại đây. Tìm hiểu chất đất, anh thấy ở đây phù hợp với cây sắn. Nhưng nói để đồng bào làm theo là rất khó, phải có cách.

Những ngày sau đó người Mông ở Tà Ghênh thấy hơn 10 anh bộ đội cuốc 2 mảnh đất nhỏ gần nơi ở. Một mảnh bộ đội chặt cây tre, cây nứa quây kín, cao hơn đầu người. Xung quanh lại dùng lá khô ken vào kẽ hở.

Tại buổi họp thôn bản, bộ đội bảo: “Trong đấy là nương bí mật quân sự nên không ai được đến gần, nếu vi phạm sẽ bị trưởng bản phạt ngô, phạt lúa”. Mảnh đất còn lại, dân bản thấy bộ đội chặt từng đoạn cây hôm họ vác lên núi rồi vùi xuống đất. Một thời gian sau, những cái mầm xanh nhú lên rất đẹp. Tuy nhiên, khi nó đã cao quá đầu gối thì trâu, bò của bà con thi nhau vào ăn.

Dân bản vào cuộc

Khi mấy con trâu ăn cây sắn non và lôi cả gốc đã có rễ lớn, dân bản nghe bộ đội nói rằng đó là cây cứu đói. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy cây sắn nên bà con chưa biết củ thế nào, lại thấy trâu bò phá rồi nên không ai tin cả.

Đội trưởng Giang cho thiếu úy Giàng A Pao - người dân tộc Mông cầm một gốc sắn bị trâu lôi lên nói bằng tiếng Mông cho bà con nghe. Đại ý: Cây sắn đối với vùng mình chính là cây cứu đói đấy. Nhưng làm phải biết cách nó mới cứu được, khi trồng mà để trâu bò phá như vậy, cây sẽ không lớn, không có củ. Nếu bà con rào lại, mấy tháng nữa cây có củ to, nó sẽ cứu đói cho bà con”.

Giờ đây lên Tà Ghênh, người ta thấy màu xanh của cây sắn có lúc còn nhiều hơn màu xanh của cây ngô. Khi đã no bụng, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất các loại cây ngô, lúa, sắn như ông Giàng A Dê, anh Trang A Sử…

Mấy tháng sau, mùa ngô rồi cũng qua đi, “mùa đói” tràn về Tà Ghênh như bao mùa đói trước. Đội trưởng Giang mới yêu cầu bản bình bầu 5 hộ đói nhất rồi dẫn tới nương “bí mật quân sự”. Những gốc sắn đã được các anh nhổ lên, củ to như bắp chân.

Bộ đội chia cho mỗi người một khóm về luộc ăn thử. Lần đầu tiên người Mông ở Tà Ghênh được ăn củ sắn. Đúng là nó ngon quá, bà con đều muốn trồng thử. Qua 3 mùa, giờ ở Tà Ghênh đã có diện tích sắn lên tới 3ha. Người no, gia súc cũng no.

Nói về hoạt động của mình, chiến sĩ Đỗ Văn Hưởng nói: “Cây sắn với đa số người dân thì quá bình thường, nhưng với đồng bào thiểu số vùng cao là cả một quá trình vận động để bà con đa dạng hóa các loại cây trồng, đảm bảo được lương thực”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem