Cây lựu đỏ đến từ đất nước Ấn Độ mang “vận đỏ” cho lão nông ở cao nguyên Lâm Hà

Văn Long Thứ bảy, ngày 01/04/2023 12:02 PM (GMT+7)
Trồng lựu đỏ Ấn Độ trên diện tích 2ha nhưng ông Võ Văn Hiệp (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) chủ yếu chiết cành bán cây giống cho người dân khắp nơi. Với cách làm này, ông Hiệp thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Làm luôn tay vẫn không đủ cung cấp cây giống lựu đỏ cho thị trường

Tháng 3, tiết trời mùa khô tại Tây Nguyên khiến phóng viên đổ mồ hôi khi ngồi trên xe máy suốt chặng đường dài để đến thăm khu vườn trồng lựu đỏ Ấn Độ của ông Võ Văn Hiệp. Ông Hiệp là một trong những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lâm Đồng mà chúng tôi được bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội ND xã Tân Văn giới thiệu.

Từ trung tâm xã Tân Văn, phóng viên được Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn dẫn băng qua con đường cấp phối đá lởm chởm. Đây là con đường tắt để đến khu vườn trồng lựu đỏ Ấn Độ của ông Võ Văn Hiệp. Mặc dù là hộ dân có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhưng căn nhà của gia đình ông Hiệp khá giản dị, đơn sơ.

Cây lựu đỏ mang “vận đỏ” cho lão nông ở cao nguyên Lâm Hà  - Ảnh 1.

Ông Hiệp bên một cây lựu đang trổ rất nhiều hoa. Ảnh: V.L

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Tân Văn đã tổ chức cho các Chi hội trưởng tham quan, học hỏi cách trồng lựu của ông Võ Văn Hiệp. Sau đó, các Chi hội trưởng sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các hộ gia đình trong vùng có hướng chuyển đổi diện tích để trồng lựu đỏ Ấn Độ hoặc trồng xen. Từ đó, người dân có thể tăng thêm thu nhập và đa dạng hóa cây trồng tại địa phương.

Đón phóng viên khi vẫn đang dở tay cắt lô cành lựu chiết đã đến kỳ giao cho khách hàng, ông Hiệp cười nói: "Đấy, nhà nông mà anh chị, cứ ở trên vườn từ sớm đến tối. Tôi cứ tỉa cành, chiết, làm cỏ rồi đến thuốc nước cho chúng là đã hết ngày rồi. Vì vậy, phải thuê cố định vài người làm cùng, con trai phụ thêm mà cũng không hết việc".

Chỉ những hàng lựu đang xanh tốt trong vườn, ông Hiệp cho biết, đầu năm 2019 ông đến TP.Đà Lạt và vô tình mua được 3 cây lựu đỏ Ấn Độ đưa về trồng. Sau khoảng 8 tháng thì cây cho rất nhiều trái. Khi trái chín, gia đình ông ăn thử loại lựu này thì thấy rất ngon, hạt đỏ au, mềm và nhiều nước. Chính vì vậy, ông đã cất công tìm hiểu cây lựu đỏ Ấn Độ ở các nhà vườn khác nhau.

"Thời điểm đó, gia đình tôi đã phá 1ha cà phê để định trồng bơ. Thậm chí bơ giống cũng đã được mang về nhà. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về lựu đỏ Ấn Độ thì tôi đã bắt xe xuống tận Đồng Nai để tìm mua giống bằng được. Sau khi tìm được giống, tôi quyết định dừng trồng bơ để trồng loại lựu rất ngon này. Thế nhưng, do lần đầu mua chưa đủ số cây giống nên tôi đành phải trồng một nửa bơ, một nửa lựu" – ông Hiệp kể.

Đợt đầu tiên, ông Hiệp trồng 700 cây lựu đỏ Ấn Độ trên diện tích 5.000m2. Sau đó 2 năm, gia đình ông quyết định phá bỏ hết bơ để chỉ chuyên tâm với cây lựu. 

"Hiện nay, với 2ha trồng lựu tôi vẫn không đủ cây giống để cung cấp cho thị trường. Có đơn vị tại miền Bắc còn đặt hàng lên đến 5.000-7.000 cây giống trong thời gian ngắn, vì vậy tôi phải tập trung nhân công để sản xuất" - ông Võ Văn Hiệp vui vẻ kể với phóng viên.

Thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ cây lựu đỏ Ấn Độ

Cây lựu đỏ mang “vận đỏ” cho lão nông ở cao nguyên Lâm Hà  - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Hiệp thường xuyên ở trên vườn trồng lựu đỏ Ấn Độ để chăm sóc, cắt tỉa cành. Ảnh: Văn Long

Trò chuyện với chúng tôi, anh Võ Trung Nguyên - con trai của ông Hiệp cho biết: "Hiện nay, gia đình em đang bán giống lựu đỏ Ấn Độ cho người dân trên cả nước. Có đơn vị mua tới 6.000 cành giống một lần, gia đình em phải dồn toàn lực để cung cấp giống cho họ theo đơn hàng đã nhận. Mặc dù công việc luôn tay luôn chân nhưng đã quen rồi nên mọi người cứ hăng say làm việc".

"Vừa qua, em được tham gia lớp tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại giao dịch điện tử postmart.vn do Hội ND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, từ đó có hướng đi mới để mở rộng sản xuất và kinh doanh. Nhờ được tham gia lớp tập huấn nên em đã giúp được bố nhiều việc trong bán hàng trên mạng. Em còn livestream bán hàng trên các nền tảng Facebook, Tiktok và Xalo để tăng lượng tương tác, phổ biến đến với khách hàng trên cả nước" – Nguyên chia sẻ thêm.

Theo ông Hiệp, lựu được ông sử dụng để làm giống là cây lựu trưởng thành khoảng 1 năm tuổi, những cành dùng để chiết là cành đủ lớn, cao khoảng 70cm. Sau khi chọn được cành, ông Hiệp dùng kéo khoanh vỏ, sau đó để khoảng 1 tuần cho vết thương khô lại. 

Cuối cùng, ông Hiệp bôi thuốc kích rễ lên đoạn cây đã khoanh vỏ rồi bó lại bằng bịch giá thể xơ dừa. Sau khi bó giá thể, khoảng 2 tháng đoạn cây đó sẽ mọc rễ và có thể cắt để xuất bán.

Cây lựu đỏ mang “vận đỏ” cho lão nông ở cao nguyên Lâm Hà  - Ảnh 4.

Hàng ngàn cây lựu giống được ông Hiệp cắt bán, vận chuyển đến cho khách hàng. Ảnh: Văn Long

Hiện nay, với mỗi cành lựu đỏ Ấn Độ được bán ra, ông Hiệp có lời khoảng 2/3, 1/3 còn lại là chi phí sản xuất, công nhân, phân bón. Tùy vào số lượng cây của đơn hàng mà sẽ có giá bán khác nhau, mỗi cành lựu giống được bán ra với giá từ 60.000 – 80.000 đồng.

Vườn lựu của gia đình ông Hiệp được trồng trên triền đồi dốc thoai thoải nhưng rất khoa học. Vì trồng trên triền đồi nên ông Hiệp đánh luống cao, trồng cây lựu trên luống để hạn chế xói mòn và mất nước. Hệ thống tưới nước phun sương trong vườn được lắp cách đất khoảng 1,5m để đảm bảo cung cấp nước cho cây cũng như cành chiết. Điều này cũng giúp cho các cành chiết đủ nước, độ ẩm để ra rễ nhanh và nhiều hơn.

Vườn của ông Hiệp cũng không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc phủ luống. Khi cỏ mọc cao, ông dùng máy cắt cỏ, ủ trực tiếp vào luống lựu, phun men vi sinh để cỏ phân hủy thành phân xanh. Loại cỏ khô này có tác dụng giữ ẩm cho gốc lựu, hạn chế cỏ mọc sát gốc và khi phân hủy hoàn toàn sẽ trở thành một loại phân hoai mục, bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hiệp cho biết, đến nay sau 3 năm trồng lựu đỏ Ấn Độ, ông mới chỉ thu vài trăm kg quả để giới thiệu cho người quen, khách hàng biết đến. Còn lại, ông chủ yếu chiết cành, làm giống để cung cấp cho thị trường. Trong thời gian tới, khi nhu cầu về giống giảm dần, ông sẽ chuyển một phần diện tích để thu hoạch quả. 

Trung bình, mỗi năm ông Hiệp làm được từ 5-6 lần giống. Với khoảng 4.000 gốc lựu đỏ Ấn Độ to trong vườn, mỗi năm ông Hiệp bán ra thị trường từ 35.000-40.000 cành lựu giống, trừ các chi phí còn thu nhập hàng tỷ đồng.

Bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội ND xã Tân Văn nhận định, mô hình trồng lựu của ông Hiệp là cách làm có triển vọng, hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2022, gia đình ông Hiệp cũng được tặng bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi của UBND tỉnh Lâm Đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem