Bán cơm cháy Việt Nam ra "chợ" thế giới là ý tưởng táo bạo của một nữ giám đốc Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 31/03/2023 05:48 AM (GMT+7)
Khởi nghiệp khi còn khá trẻ, sau 4 năm kinh doanh online các món ăn tự làm được thị trường đón nhận. Năm 2023, cô gái Bùi Thị Hải Yến (31 tuổi) ở TP.Thái Nguyên đã định hướng xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cơm cháy và nuôi ý tưởng đưa sản phẩm này vươn tầm quốc tế.
Bình luận 0

Từ đam mê nấu ăn thành bà chủ cơ sở sản xuất cơm cháy

Có mặt tại cơ sở sản xuất cơm cháy Én Vàng tại đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, chúng tôi được ngồi trò chuyện cùng nữ Giám đốc HTX xinh xắn, nhỏ nhắn nhưng đầy hoài bão lớn lao.

Nữ giám đốc HTX trẻ chia sẻ về cơ duyên đến với công việc sản xuất cơm cháy. Clip: Hà Thanh

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô gái Bùi Thị Hải Yến – Giám đốc HTX Bản Việt cho biết: Sau khi tốt nghiệp Đại học công nghiệp Hà Nội chuyên ngành quản trị kinh doanh, năm 2013 em quyết định về quê lập gia đình và sinh con.

Trong quá trình ở nhà nội trợ, chăm con, do đam mê với nấu ăn từ bé nên Hải Yến đã tập tành làm những món bánh để bán. Ban đầu chủ yếu bán tại nhà, sau này khi facebook có lượng tương tác và lượt tiếp cận lớn, Hải Yến đã đăng hàng lên mạng để bán online. "Không ngờ những món ăn em làm ra lại được thị trường cũng như người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tích cực. Đó là lý do em bén duyên và quyết định gắn bó lâu dài với công việc này", Hải Yến tâm sự.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 2.

Cô gái trẻ Bùi Thị Hải Yến (áo đen, bên trái) chính thức bén duyên với công việc sản xuất cơm cháy từ năm 2019. Ảnh: Hà Thanh

Sau một quá trình bán online, Hải Yến quyết định mở cửa hàng ăn để bán tại nhà. Tuy nhiên thời điểm dịch bệnh nên cửa hàng bị đóng cửa và cô gái ấy lại quyết định chuyển sang bán hàng online.

Là một người có sở thích với món cơm cháy, lại vô tình được một người dạy làm món ăn này nên cô gái trẻ Hải Yến đã quyết tâm đi học. Thời điểm đó là khoảng năm 2019.  "Mới đầu khi bắt tay vào làm thử cũng thất bại nhiều lần. Mãi sau này qua quá trình tích luỹ và rút kinh nghiệm dần em mới ra được sản phẩm cơm cháy như bây giờ", nữ Giám đốc HTX chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cơm cháy

Khi đã xác định gắn bó với sản phẩm cơm cháy để đưa ra thị trường số lượng lớn, tháng 4/2023, Hải Yến quyết định thành lập HTX Bản Việt tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, đồng thời thuê nhà xưởng và đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất tại TP.Thái Nguyên.

Khác với những sản phẩm cơm cháy trên thị trường hiện nay, Hải Yến lựa chọn nguyên liệu là loại gạo nếp Thầu Dầu, một trong những đặc sản của vùng đất Phú Bình để sản xuất. "Với suy nghĩ, mình ăn ngon thế nào cũng muốn khách của mình ăn ngon như thế. Do đó em đã quyết định lựa chọn nguyên liệu là gạo nếp Thầu Dầu để làm dù cho giá nguyên liệu đầu vào cao hơn những loại gạo khác. Tuy nhiên, tiêu chí của em là chú trọng về chất lượng chứ không xác định cạnh tranh về giá cả", Hải Yến cho biết.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 3.

Hải Yến lựa chọn gạo nếp Thầu Dầu, đặc sản của vùng đất Phú Bình để làm nguyên liệu sản xuất cơm cháy, khi ăn có vị giòn, xốp, ngậy và đậm đà, không bị cứng . Ảnh: Hà Thanh

Điểm đặc biệt của gạo nếp Thầu Dầu đó khi ăn có vị đặc trưng ngậy và đậm vị khác biệt hoàn toàn so với những loại gạo khác. Đặc biệt hơn nữa, Hải Yến đã khảo sát vùng sản xuất nguyên liệu gạo nếp Thầu Dầu của xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình được sản xuất theo quy trình hữu cơ nên đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.  

Để sản xuất món cơm cháy, ngoài gạo nếp còn cần các nguyên liệu và phụ gia như: đường, nước mắm, ớt, hành và chà bông được làm từ thịt gà. Nguyên liệu gà cũng được HTX lựa chọn kỹ lưỡng từ các công ty chăn nuôi gia công. Đây cũng là điểm khác biệt tạo nên vị đặc trưng hơn so với các sản phẩm cơm cháy hiện nay có chà bông được làm từ thịt lợn. Do đó, sản phẩm cơm cháy của HTX Bản Việt khi ăn có vị giòn, xốp, ngậy và đậm đà, không bị cứng.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 4.

Chà bông cho món cơm cháy được làm từ thịt gà tạo nên vị đặc trưng hơn so với các sản phẩm cơm cháy hiện nay có chà bông được làm từ thịt lợn. Ảnh: Hà Thanh

Mong muốn của nữ giám đốc HTX trẻ đó là, ngoài việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng, cô còn muốn tiêu thụ nguyên liệu gạo nếp giúp bà con nông dân tại vùng sản xuất của mình.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm cơm cháy của HTX chủ yếu là bán lẻ và sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp cho một số nhà hàng trên địa bàn TP.Thái Nguyên và Hà Nội. Bên cạnh đó, Hải Yến đang mở rộng thị trường, tìm thêm các nhà phân phối và cũng đang phân phối cho một vài đơn vị.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 5.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm cơm cháy của HTX chủ yếu là bán lẻ và sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Ảnh: Hà Thanh

Bên cạnh bán tại chỗ, bán online trên facebook, HTX còn đang xây dựng một kênh Website để bán hàng và giới thiệu sản phẩm trên đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Hiện nay, HTX có 7 thành viên với 3 lao động làm việc thường xuyên tại cơ sở sản xuất với mức thu nhập bình quân từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 6.

Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại cơ sở sản xuất với mức thu nhập bình quân từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Hà Thanh

Tính đến thời điểm này, sản phẩm của HTX bán ra thị trường chưa được nhiều do chưa hoàn thiện bao bì, nhãn mác và chưa áp dụng được máy móc công nghệ vào sản xuất. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất ra thị trường khoảng 150 – 200kg thành phẩm. Tuy nhiên, thời gian tới sau khi áp dụng máy móc vào sản xuất thì với dây chuyền công nghệ đó thành phẩm sản xuất ra sẽ tăng lên khoảng hơn chục lần. Hiện tại, sản phẩm cơm cháy đang được HTX bán với giá 300.000đ/kg.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 7.

Hiện tại với quy trinh sản xuất thủ công, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất ra thị trường khoảng 150 – 200kg thành phẩm. Ảnh: Hà Thanh

Ngoài cơm cháy truyền thống, Hải Yến dự định sẽ sản xuất thêm nhiều vị cơm cháy khác nhau để phục vụ đa dạng nhiều đối tượng khách hàng như: cơm cháy mộc ruốc gà hoặc ruốc nấm dành cho những người ăn chay, cơm cháy gạo lứt dành cho người ăn kiêng… "Đây sẽ là những sản phẩm mà chưa một cơ sở nào sản xuất và mục tiêu của HTX là làm ra sản phẩm nào phải chắc chắn sản phẩm đó", Hải Yến khằng định.

Đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế

Định hướng trong năm 2023, HTX sẽ xây dựng OCOP cho sản phẩm cơm cháy Én Vàng. Đến thời điểm này, các bước chuẩn bị cho sản phẩm tham gia OCOP đang trong quá trình hoàn thiện như bao bì, mẫu mã sản phẩm, đơn vị cung cấp nguyên liệu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Thời gian tới, nếu phát triển được thị trường rộng rãi hơn nữa, HTX sẽ đầu tư thêm một nhà xưởng tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình để tận dụng nguồn nông sản sẵn có tại địa phương.

Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên nuôi ý tưởng đưa sản phẩm cơm cháy vươn tầm quốc tế - Ảnh 8.

Hải Yến cho biết, định hướng trong năm 2023, HTX sẽ xây dựng OCOP cho sản phẩm cơm cháy Én Vàng. Ảnh: Hà Thanh

Mục tiêu xa hơn của HTX là đưa sản phẩm cơm cháy Én Vàng trở thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên và xuất khẩu ra thị trường quốc tế để giới thiệu đến đông đảo bạn bè quốc tế về sản phẩm đặc trưng của Việt Nam được làm từ hạt gạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem