|
Tiết mục múa của đoàn Hội ND TP.HCM. |
Sân chơi của nông dân
Từ ngày 25-8, hàng trăm thí sinh của các đoàn đã tề tựu về TP. Mỹ Tho để chuẩn bị cho cuộc thi. Hoành tráng nhất là đoàn của Hội ND TP.HCM, với lực lượng thí sinh dự thi lên đến 40 người (cho 2 tiết mục).
Ngoài lực lượng cán bộ Hội đi theo để chăm lo nơi ăn, ở và thủ tục dự thi, đoàn TP.HCM còn khiến nhiều đơn vị khác phải “phát thèm” khi hàng chục hội viên nông dân quận Thủ Đức thuê hẳn một chiếc ô tô đưa họ xuống Mỹ Tho làm cổ động viên. Bà Lê Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết, đội hình đi thi lần này lấy nông dân Thủ Đức làm nòng cốt.
Phải nói rằng các thí sinh đã đầu tư rất nghiêm túc cho những tiết mục dự thi. Dù là giải phong trào nhưng các nông dân diễn hay, đẹp. Một vài tiết mục thậm chí rất gần với chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Kim Quy - thành viên Ban giám khảo
“Đội hình của chúng tôi có đến 6 “nghệ sĩ nông dân” ở hàng U70 nhưng lại là những nông dân hoạt động hăng hái nhất. Họ chính là những người tiếp lửa cho các thành viên khác để thi thố hết khả năng của mình” - bà Huệ nói.
Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cũng có mặt xuyên suốt liên hoan để xem đội nhà biểu diễn. Ông Hùng cho biết, năm nay ở liên hoan cấp tỉnh huyện Cần Đước giành những giải cao nhất nên được tỉnh cử làm đại diện đi thi.
Điều thú vị là những nông dân Cần Đước lần này chủ yếu tập trung tại xã Mỹ Lệ - quê hương gạo Nàng thơm Chợ Đào và cũng là cái nôi đờn ca tài tử Long An. Trong lực lượng “huấn luyện viên” của đoàn Long An còn có nghệ nhân Út Bù - Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Cần Đước.
Ông Út Bù cho biết, Diệu Ngân - môn sinh “rặt hai lúa” ngụ xã Mỹ Lệ mà ông đang đào tạo lâu nay chỉ mới đứng trên sân khấu… 2 lần (một lần ở hội thi cấp huyện và một lần cấp tỉnh giải nông dân) nên vẫn còn rất run mỗi lần lên sân khấu. Như vẫn còn ái ngại với việc trang điểm để lên sân khấu, Diệu Ngân cười bẽn lẽn: “Hồi nào giờ em toàn ở nhà đi cấy, phụ cha mẹ nuôi bồ câu. Bởi vậy lên sân khấu em “gun” dữ lắm”.
Chất lượng bất ngờ
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - Trưởng Phòng văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM - người chuyên chấm các giải Bông lúa vàng, Tuyển chọn giọng hát hay hàng tuần của đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM, thành viên Ban giám khảo liên hoan lần này cũng cho biết, ông rất hài lòng với các tiết mục văn nghệ do nông dân mang lại.
Ở đội Cà Mau, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đặc biệt thích tiết mục múa dàn dựng công phu và ý nghĩa về tình người nông dân với cây lúa. “Theo tôi, nhiều thí sinh nếu được tập luyện bài bản hoàn toàn có thể tham dự các giải chuyên nghiệp”-nhạc sĩ Trần Xuân Tiến khẳng định.
Ông Lê Hoàng Minh - Phó chủ tịch T.Ư Hội ND Việt Nam - Trưởng ban chỉ đạo liên hoan cho biết: “Do đây là sân chơi rất bổ ích đối với nông dân sau những ngày tháng vất vả trên đồng nên Hội sẽ cố gắng để có thể 2 năm tổ chức một lần. Chúng tôi sẽ cố gắng và hy vọng có thể xã hội hóa được liên hoan để niềm vui của nông dân trọn vẹn hơn”…
Trong khi thí sinh được ở khách sạn theo tiêu chuẩn… mỗi người một giường (cho đủ sức khỏe dự thi) thì các cán bộ Hội ND TP. HCM dồn vào 2 phòng (nam 1 phòng, nữ 1 phòng) để tiết kiệm.
Do thí sinh quá đông nên các đoàn dự thi trưng dụng các xe ô tô thành… phòng hóa trang. Kính chiếu hậu của ô tô trở thành... kính soi mặt.
Giám khảo nổi tiếng cẩn thận Trần Xuân Tiến ghi chép chi tiết đặc điểm từng thí sinh dự thi, diễn tiết mục gì, đoạn nào hay, đoạn nào dở, câu nào, chữ nào bị rớt, chỗ nào cần sửa… Thậm chí, nhạc sĩ còn ghi luôn đặc điểm thí sinh như màu tóc, màu mắt, trang phục...
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.