Cây thị cổ thụ ở Bắc Giang vẫn "sinh đẻ" la liệt quả thơm, làm thuốc chữa giời leo, bất ngờ luôn
Một cây cổ thụ ở Bắc Giang vẫn "sinh đẻ" loại quả thơm, đốt làm thuốc chữa giời leo, hiệu nghiệm ai cũng bất ngờ
Thứ tư, ngày 02/08/2023 18:46 PM (GMT+7)
Trải qua hàng trăm năm dưới mưa bom, bão đạn của chiến tranh nhưng cây thị ở tổ dân phố Hướng, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang) vẫn tỏa bóng xanh mát, trĩu quả mỗi khi vào mùa. Vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than tán bột mịn, hòa với dầu vừng, dầu vừa bôi ngoài da chữa giời leo...
Theo tư liệu cổ lưu lại tại tổ dân phố, cây cổ thụ là cây thị được trồng cách đây khoảng 300 năm, nay tọa lạc tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang).
Cây thị cổ thụ tọa lạc trong quần thể khu văn hóa tâm linh chùa Hướng và đền thờ tướng quân Lều Văn Minh, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cây thị cổ thụ này có chiều cao 20 m, đường kính thân cây 1,3 m, tán phủ rộng khoảng 200 m2.
Cây thị cổ thụ là nơi dân làng ngồi nghỉ ngơi khi đi làm đồng về và tổ chức các hoạt động vui chơi vào mỗi dịp lễ hội.
Do được trồng ở khu vực trung tâm, có vị trí cao nhất làng nên thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây thị là nơi trưởng thôn, xóm hoặc người làm công tác thông tin của làng dùng loa tay thông báo các công việc của làng hoặc báo động khi địch tới.
Khi quả thị chín có mùi thơm ngào ngạt. Hương thơm của quả thị có tác dụng trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh.
Đặc biệt, vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than tán bột mịn, hòa với dầu nền (dầu vừng, dầu dừa, dầu hạnh nhân…) dùng để bôi ngoài da chữa rộp da do giời leo.
Ông Nguyễn Văn Phi ở tổ dân phố Hướng, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, năm nay đã 81 tuổi nhưng từ khi còn nhỏ đã được nghe ông cha kể lại rằng cây thị cổ thụ đã sống với thôn, làng từ hàng trăm năm trước đó.
Mặc dù đã trải qua 2 cuộc kháng chiến lịch sử chống Pháp, chống Mỹ ác liệt dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù song di tích lịch sử đình, chùa ở tổ dân phố Hướng vẫn được an toàn.
Trước đây loa phóng thanh được treo trên cây thị phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Cây thị cổ thụ là chứng nhân lịch sử, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, kiên cường và niềm tự hào quê hương Bắc Giang anh hùng.
Ông Nguyễn Văn Toản - Tổ trưởng tổ dân phố Hướng cho biết, với những ý nghĩa đó, ngày 25/8/2021, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam có quyết định công nhận cây thị là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa”.
“Do đại dịch Covid-19 kéo dài nên dịp lễ hội truyền thống chùa Hướng diễn ra vào tháng Giêng năm Quý Mão 2023, cán bộ và nhân dân tổ dân phố mới tổ chức công bố quyết định của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam có quyết định công nhận cây thị là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” ”- ông Toản chia sẻ.
Hiện tổ dân phố Hướng đã xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ cây gắn với xây dựng tổ dân phố văn hóa. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa của việc bảo tồn cây cổ thụ, vận động nhân dân góp sức chăm sóc cây, đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, cây cảnh, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.