CEO Tân Á Đại Thành 36 tuổi Nguyễn Duy Chính giàu cỡ nào?
CEO Tân Á Đại Thành 36 tuổi Nguyễn Duy Chính vừa trúng đại biểu HĐND TP. Hà Nội giàu cỡ nào?
N.Minh
Thứ hai, ngày 31/05/2021 07:30 AM (GMT+7)
CEO Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính là lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất sinh năm 1985 trúng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài vai trò là CEO của Tân Á Đại Thành, ông Nguyễn Duy Chính còn là “sếp” tại nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho tới vật liệu xây dựng, cơ khí.
Như Dân Việt đưa tin, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua biên bản về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố để hoàn thiện báo cáo gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng theo thẩm quyền.
Theo biên bản về kết quả bầu cử của Ủy ban Bầu cử thành phố, đã có 95 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đáng chú ý, trong danh sách trúng cử có 9 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp. Trong đó, ông Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành là thành viên trẻ nhất trong danh sách này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Duy Chính sinh ngày 12/1/1985. Ông Chính là con trai trưởng của nữ Chủ tịch Tân Á Đại Thành, bà Nguyễn Thị Mai Phương.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Anh, ông về đầu quân về Tập đoàn Tân Á Đại Thành.
Tháng 1/2015, ông Nguyễn Duy Chính được bổ nhiệm ví trí Tổng giám đốc sau 4 năm công tác tại nhiều vị trí khác nhau trong tập đoàn.
“Một doanh nghiệp lớn không chỉ là doanh nghiệp kiếm được hàng ngàn tỷ đồng, mà phải là một doanh nghiệp tạo dựng và chia sẻ giá trị cho hàng triệu khách hàng và vươn tầm quốc tế”
CEO Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính
Từ tháng 2/2021, ngoài chức vụ CEO Tân Á Đại Thành, ông Nguyễn Duy Chính còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi Măng Kiên Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi Măng Hà Tiên Kiên Giang, Chủ tịch HĐQT cơ khí Kiên Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Kiên Giang, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang.
Ngoài các vị trí kể trên, ông Nguyễn Duy Chính còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội lần thứ V (nhiệm kỳ 2018 - 2023). Đây là nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp của ông Nguyễn Duy Chính trên cương vị này.
Tân Á Đại Thành thời CEO Nguyễn Duy Chính: Tham vọng 10.000 tỷ doanh thu, lấn sân sang bất động sản
Khởi nguồn thành lập từ năm 1993 với tên gọi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á, song đến năm 2007, Tập đoàn Tân Á Đại Thành chính thức ra đời với việc sáp nhập 3 công ty gồm: Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Tân Á; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Đại Thành và Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Á Đông.
Chưa dừng lại, với mục đích phát triển tập đoàn lớn mạnh, năm 2019 Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục tái cấu trúc sáp nhập các công ty thành viên với tham vọng từ năm 2020 doanh thu của thương hiệu Tân Á Đại Thành sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Đến nay, dưới sự điều hành bởi đại gia đình ông Nguyễn Duy Chính, Tân Á Đại Thành đã sở hữu hệ thống 19 Công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, hơn 30.000 chi nhánh điểm bán và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia với hệ sinh thái bao gồm 9 dòng sản phẩm.
Trong đó, bồn inox – bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam.
Pháp nhân lõi trong lĩnh vực sản xuất của tập đoàn là Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, số vốn điều lệ của Tân Á Hưng Yên ở mức 300 tỷ đồng.
Theo Viettimes, đây chính là pháp nhân đóng góp doanh thu lớn nhất cho tập đoàn. Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, như năm 2016 chỉ tiêu này ở mức 1.603 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã là 2.975 tỷ đồng.
Cùng với đó, lãi thuần ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh, song xét về giá trị tuyệt đối vẫn ở mức khá khiêm tốn. Năm 2016 là 4,4 tỷ đồng, và báo lãi gần 8,4 tỷ năm 2019.
Từ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị ngành nước, những năm gần đây Tân Á Đại Thành mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản bằng việc thành lập CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (BĐS Tân Á Đại Thành) với thương hiệu chính thức MeyLand.
Trên trang chủ, doanh nghiệp này cho biết "với số vốn điều lệ 1.000 tỷ, 8 công ty thành viên, Tân Á Đại Thành Meyland định hướng phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam".
Tân Á Đại Thành Meyland hiện là chủ dự án khu đô thị cao cấp Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô hơn 56ha tọa lạc tại tuyến đường huyết mạch kết nối sân bay quốc tế Phú Quốc qua Bãi Trường tới thị trấn An Thới.
Tại Nghệ An, Tân Á Đại Thành Meyland là nhà phát triển Bãi Lữ Resort, dự án nghỉ dưỡng được thực hiện trên diện tích 200 ha, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đang trong quá trình đầu tư và phát triển dự án, Tân Á Đại Thành Meyland vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần 1,4 tỷ đồng năm 2019.
Và gần nhất, tháng 12/2020 thị trường xôn xao với thương vụ nghìn tỷ ở Kiên Giang của người kế nghiệp Tân Á Đại Thành CEO Nguyễn Duy Chính khi tập đoàn này chi 1.185 tỷ đồng và vượt qua nhiều đối thủ lớn để trúng đấu giá 98,16% cổ phần CTCP đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang.
Đây là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Chén có diện tích gần 42.000 m2, và đáng kể hơn cả là dự án Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn có diện tích 90,17 ha ở Phú Quốc.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty này là 1.233 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 663,2 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm luôn duy trì quanh 2.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 2.384 tỷ đồng.
Ngoài "đất vàng", thương vụ thâu tóm kể trên còn giúp Tân Á Đại Thành mở rộng sang mảng khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, và cả cơ khí.
Bởi CTCP đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang là công ty mẹ của 2 doanh nghiệp xi măng là CTCP Xi măng Hà Tiên Kiên Giang và CTCP Xi măng Kiên Giang, một doanh nghiệp khai thác đá là CTCP Sản xuất VLXD Kiên Giang cùng CTCP Cơ khí Kiên Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.